365 truyện kể cho bé trước khi đi ngủ

Top 5 Truyện hay nhất Cho Bé 7 Tuổi Siêu Ý Nghĩa

Truyenchobe.com gửi tới ba mẹ và các bé những câu chuyện ý nghĩa và phù hợp với lứa tuổi của các bé. Các phụ huynh nên đọc cho bé nghe mỗi ngày để cùng con hình thành những phẩm chất, thói quen tốt.

Truyện số 1: Ba Lưỡi Rìu

Ba lưỡi rìu
Ba lưỡi rìu

Một bác tiều phu đốn cây bên bờ sông. Thình lình cái lưỡi rìu long ra khỏi cán và rơi tõm xuống nước! Bác đau khổ than thở:

Khổ thân tôi! Không có lưỡi rìu thì lấy gì mà đốn cây và làm sao mà nuôi sống được gia đình tôi đây!

Có tiếng động trong lùm cây bên bờ và một cụ già râu tóc bạc phơ đột nhiên xuất hiện. Cụ hỏi bác tiều phu:

– Làm sao mà anh than khóc khổ sở thế?

– Cụ bảo làm sao tôi không than khóc được. Cái lưỡi rìu của tôi đã rớt [4] xuống nước và tôi không làm sao đốn cây được để nuôi gia đình tôi!

Cụ già đáp:

– Tai nạn có thể vượt qua được anh ạ!

Và sau khi cởi áo, cởi giày, cụ nhảy ùm xuống nước. Bác tiều phu chưa hết ngạc nhiên thì cụ già đã nổi lên, tay cầm một lưỡi rìu bằng vàng, và hỏi bác tiều phu:

– Cái này có phải của anh không?

– Không, không phải lưỡi rìu của tôi đâu, cụ ạ!

Cụ già lại lặn xuống nước và ngoi lên, trong tay cầm một lưỡi rìu bằng bạc. Cụ chìa ra cho bác tiều phu:

– Cái này chắc là của anh rồi!

– Không, cũng không phải của tôi.

Lần thứ ba, cụ già lại lặn xuống nước và đem lên cho bác tiều phu một lưỡi rìu bằng sắt.

– Thế còn cái này?

Bác tiều phu mừng rỡ kêu lên:

– Đúng rồi, cái này mới đúng là của tôi!

Bác cảm ơn cụ già, đón lấy lưỡi rìu, chực chạy đi, nhưng cụ già kịp nắm giữ bác lại và nói:

– Khoan đã, anh hãy cầm hai lưỡi rìu vàng và bạc kia đi. Anh thì không tham, còn tôi thì không hà tiện [5] với anh đâu!

Cụ đã dạy thế thì tôi xin nhận và không bao giờ quên lòng tốt của cụ, xin cảm ơn cụ!

Bác tiều phu đi về nhà, đem theo cả ba lưỡi rìu vàng, bạc và sắt.

Có người láng giềng nhà giàu, nghe chuyện bác tiều phu gặp may, nghĩ rằng: “Ta cũng thử ra bờ sông một chuyến xem sao”. Thế là anh ta đi ra bờ sông và cũng đem theo một cái rìu mà lưỡi chỉ gắn hờ vào cán rìu thôi.

Đến bờ sông, gã nhà giàu giơ cái rìu lên, chưa kịp chặt vào cây thì lưỡi rìu đã rơi tõm xuống nước.

Cụ già râu tóc bạc phơ hôm trước lại hiện ra và cũng nhận mò giúp cho gã chiếc lưỡi rìu.

Trong nháy mắt, cụ già cởi áo, cởi giày và biến mất dưới nước. Mặt nước chưa kịp xao động [6] thì cụ đã nổi lên, tay cầm cái lưỡi rìu sắt và hỏi gã nhà giàu:

– Cái này có phải của anh không?

– Không phải đâu, cụ ạ, cái của tôi đẹp hơn nhiều!

Cụ già lại lặn xuống nước và nỏi lên với một cái lưỡi rìu bạc.

– Còn cái này?

– Cũng không phải đâu, cụ ạ! Cái lưỡi rìu của tôi đẹp hơn thế nữa!

Cụ già lại lặn xuống nước lần thứ ba và nổi lên với một cái lưỡi rìu vàng.

– Cái này có phải của anh không?

– Phải, phải cụ ạ! Chính là của tôi! Tôi nhìn ra nó từ xa kia mà. Cụ đưa ngay đây cho tôi!

Nhưng khi định đưa cái lưỡi rìu vàng cho anh nhà giàu, cụ già lại hỏi hắn:

– Này, anh có chắc là không nhầm đấy chứ? Vì ở dưới đáy sông còn có một cái lưỡi rìu bằng kim cương [7] nữa kia.

Gã nhà giàu vội kêu lên:

– Ô, thế đúng đó mới là cái lưỡi rìu của tôi. Tôi bị lóa mắt nên nhìn nhầm cái lưỡi rìu này đấy, cụ ạ!

Cụ già rung rung bộ râu bạc và lại lặn xuống nước, đem theo cái rìu vàng và lần này thì cụ không nổi lên nữa.

Còn gã nhà giàu thì cứ chờ, chờ mãi bên bờ.

Ý nghĩa câu chuyện Ba lưỡi rìu

Ba lưỡi rìu là câu chuyện cổ tích của dân tộc Litva, ca ngợi những người có đức tính thật thà, ngay thẳng; đồng thời phê phán những kẻ có bụng dạ gian lam.

Truyện số 2: Ông Trạng Nồi

Thuở xưa, có một chàng trai nhà nghèo lắm, hàng ngày phải đi kiếm củi lấy tiền ăn học. Chàng rất thông minh và ham học.

Năm ấy nhà vua sắp mở khoa thi kén chọn nhân tài. Chàng học trò nghèo kia ngày đêm miệt mài đèn sách, nhiều bữa quên ăn. Thường đến bữa cơm, chàng đợi nhà bên cạnh vừa ăn xong, là chạy sang mượn nồi ngay. Lần nào chàng cũng cọ sạch bóng nồi trước khi đem trả.

Ngày thi đến. Chàng ung dung đến trường thi. Đến ngày yết bảng, tên chàng được xếp đầu bảng vàng, chàng đỗ trạng nguyên . Nhà vua mở tiệc ban thưởng cho quan trọng và các vị đỗ đạt. Tiệc xong, nhà vua vời quan trạng đến phán hỏi:

– Nay nhà ngươi đã đỗ trạng nguyên, tiếng tăm lừng lẫy, ta muốn giữ lại đây để phò vua giúp nước. Trước khi nhà ngươi lĩnh việc, ta cho phép về tạ ơn tổ tiên, thăm làng xóm họ hàng. Ta muốn ban thưởng cho nhà ngươi những vật báu và cho phép nhà ngươi tự chọn.

Nhà vua và các quan rất đỗi ngạc nhiên khi quan trạng tâu lên:

– Tâu bệ hạ! Thần chỉ xin bệ hạ một chiếc nồi nhỏ.

Hôm sau, quan trạng lên đường thăm quê mang theo chiếc nồi nhỏ đúc bằng vàng của nhà vua ban cho.

Tin người học trò nghèo nọ đỗ trạng nguyên bay về làng làm nức lòng mọi người. Dân làng treo cờ, kết hoa, nổi chiêng trống, đón quan trạng về thăm quê hương và lễ tổ.

Khi về đến đầu làng, quan trạng xuống kiệu , chào hỏi, cảm ơn dân làng, rồi tay cầm chiếc nồi nhỏ bằng vàng đi thẳng đến nhà ông hàng xóm trước kia đã cho chàng mượn nồi trong dịp ôn thi. Dân làng lũ lượt đi theo. Thấy quan trạng đến, chủ nhà vội vàng ra chào đón vào nhà. Quan trạng nói:

– Thưa ông, tôi xin biếu ông chiếc nồi vàng nhà vua ban cho tôi để tạ ơn ông. VÌ nhờ ông có lòng giúp đỡ, tôi mới đỗ đạt và được như ngày nay.

Vợ chồng ông hàng xóm nghe quan trạng nói vừa mừng rỡ vừa bối rối, nghĩ thầm: “Cho mượn nồi thì có gì mà quan trạng phải trả ơn to đến thế!”. Dân làng cũng nghĩ như vậy. Như đoán biết ý nghĩ mọi người, quan trạng mỉm cười thong thả nói:

– Hồi đó vì nghèo, trong thời gian ôn thi tôi không có thì giờ đi kiếm gạo, nên đã cố tình mượn nồi của ông chủ đây để ăn vét cơm cháy trong mấy tháng trời. Nay đã đỗ đạt, tôi có chút quà mọn trả ơn ông chủ như thế này đã bõ gì!

Chủ nhà và dân làng nghe nói rất xúc động và cảm phục gương hiếu học và lòng biết ơn của quan trạng.

Vị trạng nguyên trẻ tuổi ấy chính là Tô Tịch, một người nổi tiếng thời trước của nước ta, dân gian yêu mến vẫn quen gọi là Ông Trạng Nồi là lẽ như vậy.

Truyện số 3: Kiến và châu chấu (Dạy về sự chăm chỉ)

Truyện Kiến và châu chấu
Truyện Kiến và châu chấu

Vào một ngày hè nắng chói chang và gió thổi mát rượi, một chú châu chấu xanh nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng chú ca hát ríu ra ríu rít.

Bỗng chú bắt gặp bạn kiến đi ngang qua, bạn ấy đang còng lưng cõng một hạt ngô để tha về tổ.

Câu chuyện giáo dục dễ hiểu và thú vị cho bé

Châu chấu cất giọng rủ rê: “Bạn kiến ơi, thay vì làm việc cực nhọc, chi bằng bạn hãy lại đây trò truyện và đi chơi thoả thích cùng tớ điii!”

Kiến trả lời “Không, tớ bận lắm, tớ còn phải đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông sắp tới. Bạn cũng nên làm như vậy đi bạn châu chấu ạ”.

“Còn lâu mới tới mùa đông, bạn chỉ khéo lo xa”. Châu chấu mỉa mai.

Kiến dường như không quan tâm tới những lời của châu chấu xanh, nó tiếp tục tha mồi về tổ một cách chăm chỉ và cần mẫn.

Thế rồi mùa đông lạnh lẽo cũng tới, thức ăn trở nên khan hiếm, châu chấu xanh vì mải chơi không chuẩn bị lương thực nên giờ sắp kiệt sức vì đói và rét. Còn bạn kiến của chúng ta thì có một mùa đông no đủ với một tổ đầy những ngô, lúa mì mà bạn ấy đã chăm chỉ tha về suốt cả mùa hè.

ý nghĩa của truyện

Chăm chỉ và làm việc có kế hoạch sẽ đem lại kết quả tốt. Ngược lại lười biếng, “nước đến chân mới nhảy” thì không thể làm tốt được việc gì cả.

Truyện số 4 Đẽo cày giữa đường

Một anh nông dân nọ, muốn làm một cái cày tốt. Một hôm, anh xin được một cây gỗ tốt. nhưng anh chưa làm cái cày bao giờ, anh bèn mang khúc gỗ ra đường ngồi đẽo để hỏi ý kiến mọi người.

Có người đi qua, trông thấy, liền khuyên:

– Anh đẽo to thế, anh nên đẽo nó nhỏ hơn một chút.

Anh nông dân nghe thấy liền làm theo. Một lát sau, lại có người khác đi qua bảo:

– Anh đẽo thế này không cày được đâu, cái ách cày to quá, khó vác.

Anh nông dân theo lời khuyên, đẽo nhỏ lại. Một lúc sau lại một người nữa đi qua nói:

– Anh đẽo thế không ổn rồi, cái bàn cày phải nghiêng một bên thì mới dễ sử dụng.

Anh nông dân nghe vậy, chẳng đắn đo mà làm theo. Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy anh chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, anh không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Cuối cùng anh nhận ra rằng: bản thân phải có chính kiến thì mới thành công được.

Ý nghĩa truyện

Truyện cho lời khuyên về việc tham khảo ý kiến người khác là điều hay. Song, bản thân mình cũng cần biết và có chính kiến. Ba mẹ có thể dạy trẻ về việc nên lắng nghe ý kiến của người khác. Nhưng, bên cạnh đó con cũng cần biết rõ về điều con hiểu, điều con biết, mong muốn hay sở thích của con. Từ đó có lựa chọn phù hợp trong sự việc của mình.

Truyện số 5: Truyện Sự tích cầu vồng

Sự tích cầu  vồng
Sự tích cầu vồng

Xưa kia các màu sắc luôn tranh cãi với nhau vì ai cũng cho rằng mình đẹp và được yêu thích nhất.

Màu xanh lá nói: “Tớ là quan trọng nhất. Tớ là màu của sự sống, hy vọng, cỏ cây, hoa lá. Nhìn vùng đất đai xanh mát kia, các cậu sẽ thấy tớ quan trọng như thế nào.”

Xanh dương cắt ngang: “Cậu hãy nghĩ về bầu trời và biển cả. Đại dương là sự sống của biết bao nhiêu sinh vật. Bầu trời tượng trưng cho hòa bình. Không có tớ, cậu chẳng là gì cả.”

Màu vàng lắc đầu: “Tớ mang đến tiếng cười và sự ấm áp cho thế giới này. Mặt trời có màu vàng, các vì sao cũng có màu vàng. Không có tớ sẽ chẳng có sự vui tươi nào cả.”

Màu cam kiêu kì nói: “Khi tớ xuất hiện vào bình minh hay hoàng hôn, vẻ đẹp của tới hấp dẫn đến nỗi chẳng ai nghĩ đến các cậu cả.”

Màu đỏ nhiệt tình xen vào: “Tớ mới là người đứng đầu ở đây. Tớ là màu của máu, của sự sống ! Tớ là màu của sự dũng cảm, là màu của sự chiến thắng. Tớ, màu của tình yêu, của ngọn lửa mãnh liệt.”

Màu tím trịnh trọng nói: “Tớ là màu của hoàng gia và sức mạnh. Các vị vua, thủ lĩnh hay luôn luôn chọn tớ vì tớ là biểu tượng của quyền lực và sự khôn ngoan.”

Cuối cùng màu chàm lên tiếng: “Tớ là màu của sự im lặng. Khó có thể nhận ra tớ, nhưng nếu không có tớ, tất cả các cậu đều trở nên nông cạn. Các cậu cần tớ cho sự cân bằng và tương phản, trong cầu nguyện và sự hòa bình.”

Mỗi màu sắc quả quyết màu của mình là đẹp nhất. Họ tranh cãi lớn hơn và lớn hơn. Đột nhiên, một tiếng sét bất chợt vang lên. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Các màu sắc run rẩy, xích lại gần nhau.Ngay lúc đó, mưa lên tiếng: “Các người thật ngu ngốc, đấu đá lẫn nhau để chứng tỏ mình nổi trội hơn những kẻ khác. Các ngươi không biết là tất cả những cá thể được tạo ra bằng sự khác biệt sao. Sự khác biệt đó kết hợp với nhau sẽ tạo nên sự mạnh đặc biệt. Nắm tay nhau và đi đến đây nào.”

Làm theo lời của mưa, các màu sắc liên kết lại với nhau. Mưa tiếp tục: “Bắt đầu từ bây giờ, khi trời mưa, mỗi màu sắc sẽ trải dài dọc bầu trời trong một chiếc vồng lớn để nhắc nhở các ngươi nên chung sống với nhau hòa bình. Cầu vồng là sự hiện diện của hi vọng cho ngày mai.” Và như vậy, cứ mỗi khi mưa tạnh, cầu vồng lại xuất hiện để nhắc chúng ta rằng sự đoàn kết tạo nên vẻ đẹp kì diệu và hy vọng cho con người.

Ý nghĩa truyện

Cũng như màu sắc, con người chúng ta đều là đặc biệt và duy nhất. Nhưng, không vì thế mà chúng ta xem thường người khác. Tất cả đều có sắc thái riêng của mình không nhầm lẫn với ai cả. Ba mẹ có thể thông qua câu chuyện này để chia sẻ với trẻ về vị trí & giá trị của trẻ cũng như bạn bè và mọi người xung quanh. Tất cả đều có sự khác biệt và ai ai cũng có điều nổi trội của chính mình. Khi mọi người kết hợp với nhau, thì sự nổi trội kia càng thêm phần đặc biệt.

—truyenchobe.com—