Truyện ngụ ngôn

Bộ lông mượn (Truyện ngụ ngôn ngắn ý nghĩa cho bé)

Truyện ngụ ngôn Bộ lông mượn

Bộ lông mượn là câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam, giáo dục các bé không nên kiêu ngạo và cần biết ơn trước những điều tốt đẹp mà người khác mang đến cho mình.

Vua loài chim là Phượng Hoàng ăn mừng sinh nhật. Trăm loài chim kéo nhau đến chúc mừng. Con nào con nấy lông óng mượt, lộng lẫy. Chỉ chú chim Cút là nghèo nàn, mặc bộ nâu sồng xơ xác.

Trời rét, Cút run cầm cập, luôn miệng kêu than. Phượng Hoàng thương tình ra lệnh cho chim Khách báo cho các loài chim mỗi con tặng Cút một chiếc lông.

Lệnh truyền đi, trăm chim vui vẻ nghe theo. Cút liền có bộ áo đẹp rực rỡ. Từ đó Cút sinh ra kiêu ngạo, đi đâu cũng nói rằng: “Sau Phượng Hoàng thì phải kể đến Cút”.

Trăm chim tức giận, đòi lông lại. Thế là Cút chỉ còn lại bộ nâu sồng xơ xác. Suốt ngày nó rụt cổ, nấp mình trong bụi cỏ không dám đi đâu, miệng kêu “cun cút” nghe rất thảm.

Câu chuyện ngụ ngôn Bộ lông mượn

Câu hỏi thử thách các bé trong truyện

  1. Ngày sinh nhật Phượng Hoàng, Cút đã xuất hiện trong bộ quần áo như thế nào?
  2. Vì sao Cút có được bộ quần áo lộng lẫy?
  3. Vì sao Cút lại xấu xí như lúc ban đầu?
  4. Hãy kể lại câu chuyện Bộ lông mượn theo lời kể của chim Cút.

Con Vẹt hay bắt chước

Con Vẹt hay bắt chước

Con Vẹt hay bắt chước là bài học về sự huênh hoang, không biết khiêm tốn cho các bé. Tránh việc bắt chước người khác một cách máy móc mà không hiểu gì cả.

1. Sự chủ quan của Vẹt

Khi mùa xuân về, các giống chim và thú vật rủ nhau tới rừng hoa mở hội. Nào Voi, Gấu, Hổ, Lợn lòi… trổ tài thi khỏe. Nào Khỉ, Vượn, Sóc… đua tranh nhau trèo leo. Và các giống chim thì khoe tiếng hót hay.

Trong bầy chim có chú Vẹt áo sặc sỡ. Chú ta cũng hăm hở đi thi. Từ lâu, Vẹt nổi tiếng là một chú chim có nhiều giọng hót. Vẹt hí hửng tin chắc rằng giải nhất nhất định sẽ về tay chú ta.

Trên đường đi, Vẹt tung tăng nghênh trời, ngắm suối. Gặp cô Bướm rừng sặc sỡ, Vẹt hỏi:

– Này cô Bướm, xem như tôi về dự hội năm nay, có nhất được không?

Bướm đang mải nhởn nhơ, nghe câu được, câu chăng, tưởng Vẹt hỏi có phải hội mùa xuân là vui nhất không, liền đáp:

– Nhất đấy! Nhất đấy!

Vẹt ta khoái lắm, bay vù một chặp. Đi được một quãng nữa, Vẹt gặp Vượn. Thấy Vượn đang tập hú, Vẹt nhướn cổ hú luôn. Vượn giật mình nhìn ra, thấy Vẹt, liền khen:

– Cậu hú khá lắm. Y như tớ!

Vẹt có vẻ không bằng lòng với lời khen ấy (người ta hú hay hơn chứ!). Đi quãng nữa, nhác thấy Ếch bì bõm nhảy ra, Vẹt “ộp ộp” luôn. Ếch tưởng có bạn cùng loài, cố giương mắt nên nhìn, chỉ thấy Vẹt. Vẹt cười ré lên, bay vù mất.

Đến giữa rừng, gặp Vàng Anh đang khổ công luyện giọng. Vẹt tỏ ra thương hại. Cặp Sáo líu lo hót tập, Vẹt chẳng lạ gì thứ tiếng ríu ran ấy. Vẹt cậy mình có cái tài muốn kêu, muốn hót bất cứ thứ tiếng gì, chỉ một tí là được ngay. Nó yên trí nó là kẻ vô địch của bất cứ loài chim nào…

2. Con Vẹt hay bắt chước và sự thất bại trong cuộc thi

Con vẹt hay bắt chước
Con vẹt hay bắt chước

Vào cuộc thi, giám khảo Chim khuyên và Ếch ộp mời các bạn đến dự thi hãy hăng hái ghi tên biểu diễn trước, Ếch vừa đặt loa lên mép, chưa kịp gọi thì Vịt đã quang quác vào đầu tiên, khiến cho ai nấy đều giật cả mình. Thấy vậy, Vẹt ta liền nhảy vào, hót lên một chuỗi âm thanh líu ríu. Chim Khuyên định chấm cho Vẹt một điểm thì Liếu điểu bay tới, nhận đó là tiếng hót của mình. Vẹt tỏ vẻ không cần, vươn cổ gáy vang, Gà Trống đập cánh kêu:

– Đấy là giọng hót của tôi chứ!

Vẹt tức mình, huýt lên lanh lảnh. Chích Chòe đứng bên cạnh nhảy tanh tách tới chỗ ban giám khảo, nói ngay:

– Ơ! Sao lại hót tiếng hót của tôi?

Giám khảo Ếch bảo Vẹt hãy hót bằng tiếng hót của mình thì hơn. Vẹt càng bực bội, nhướn cổ hú một hồi rõ to. Ai dè, Vượn nhào ngay tới, tóm lấy Vẹt:

– Sao lại hú tiếng của người ta?

Vẹt hoảng hốt bay lên, để lại trong tay Vượn một cái lông đuôi. Nó luống cuống, không làm sao nghĩ ra được tiếng hót của mình nữa.

Từ xưa đến nay nó có tập hót và luyện giọng bao giờ đâu? Nó chỉ quen bắt chước, chỉ hót theo tiếng hót của người khác mà không hiểu gì cả.

Truyenchobe.com tổng hợp