Sự tích hoa Thiên Lý (Truyện cổ tích Việt Nam về các loài cây)
Truyện Sự tích hoa Thiên Lý
Sự tích hoa Thiên Lý là truyện cổ tích Việt Nam kể về các loài cây, cho thấy mưu trí tài giỏi của cụ già đã giúp chàng trai thổi sáo tìm được người vợ mình.
Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh Thiên Lý, nấu chè hạt sen.
– Ca dao Việt Nam –
1. Người vợ giả và người vợ thật
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai thổi sáo rất hay. Hay đến mức, có một con rắn lục nghe thấy tiếng sáo của chàng liền mê mẩn. Nó đã quyết tâm tu luyện thành người để lấy chàng làm chồng mình, mặc dù chàng đã có vợ.
Lần ấy, sau một chuyến mang cây sáo trúc đi thổi thi và đoạt được giải nhất trở về. Vừa đến đầu làng, chàng trai đã thấy người vợ vừa xinh đẹp trẻ trung, vừa hiền hậu đảm đang của mình ra đón. Lúc ấy, chàng vui lắm. Chàng đâu biết đấy chính là con rắn lục đã biến thành người và đã giả dạng giống y hệt vợ chàng từ vẻ mặt, lời nói đến dáng đứng, dáng đi.
Về đến nhà, chàng trai bỗng bàng hoàng khi thấy một người vợ thứ hai bước ra. Chàng trai không còn biết một trong hai ai là vợ thật của mình nữa. Hai người đàn bà trẻ giống nhau còn hơn cả hai giọt nước. Chàng liền tìm đến một ông cụ nổi tiếng là tài giỏi trong việc tìm ra chuyện phải trái ở trên đời, để nhờ ông cụ giúp đỡ. Nghe chàng nói rõ ngọn ngành, ông cụ nhận lời ngay và cho gọi hai người đàn bà đến.
2. Cụ già tài giỏi trong câu chuyện Sự tích hoa Thiên Lý
Cụ già lấy vải đen bịt mắt cả hai lại, rồi đưa cho hai người ba cái áo có mùi mồ hôi của ba người đàn ông khác nhau và dặn:
– Cứ ngửi đi, cái nào là của chồng thì gật đầu, không phải thì lắc đầu!
Cô vợ thật được ngửi trước. Cô vợ giả ngửi sau. Mắt cô vợ giả vốn là mắt rắn nên có thể nhìn xuyên qua vải đen. Vì vậy, cô ta liếc nhìn người vợ thật, thấy cô này lắc đầu thì cũng lắc đầu, thấy gật đầu thì cũng gật theo. Thế là cả hai đều đã ngửi đúng được mùi áo của người chồng có tài thổi sáo. Ông cụ lại nghĩ ra cách khách để thử hai người vợ này. Ông liền cho mang đến ba bát canh, một bát có vị gừng, một bát có vị hành và một bát có vị lá hẹ. Ông cụ dặn:
– Thứ canh nào chồng thích ăn thì gật đầu, thứ nào chồng không thích thì lắc đầu.
Sự việc lại diễn ra như lần thử trước. Thấy người vợ thật gật đầu khi nếm bát canh nấu với gừng, cô vợ giả cũng gật đầu theo. Ông cụ cho cả hai cùng về, để cụ suy nghĩ thêm. Hôm sau, cụ lại cho mời hai người đến. Cụ để hai người đứng ở hai nơi, không trông thấy nhau nhưng cùng nhìn ra một con đường ở phía trước mặt, cách chỗ đứng khá xa.
– Ta sẽ cho ba chàng trai đi ngang qua đường. Nhận ra ai là chồng mình thì cứ vẫy gọi. Ai gọi đúng chàng thổi sáo tài giỏi thì người đó là vợ thật, ai gọi sai là vợ giả và sẽ phải chịu tội với dân làng.
Cô vợ giả lúc đầu lo lắm. Nhưng sau cô ta đã nghĩ ra được một lối thoát. Cô ta định bụng khi nào nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng sẽ gọi ngay theo. Một người trai trẻ đi qua. Rồi hai người. Cô vợ giả không nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng im lặng theo. Cô ta mừng lắm. Như thế thì người còn lại đúng là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Vì vậy khi chàng trai thứ ba vừa xuất hiện thì cô vợ giả đã vẫy tay và gọi to:
– Chàng ơi! Thiếp ở đằng này này!
Trong lúc người vợ thật vẫn đứng im. Vì đó vẫn chưa phải là chồng cô. Cụ già liền dẫn chàng trai thứ ba đến trước cô vợ giả và nói:
– Như vậy, cô đã tự nhận cô là kẻ rắp tâm đi cướp đoạt chồng của người khác. Chàng trai này đâu phải là người mà cô đã nhận là chồng cô.
Rồi cụ lại cho gọi cô vợ thật đến và hỏi:
– Trong ba chàng trai, không có ai là chồng cô sao?
– Thưa cụ, nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, ngàn dặm, cháu cũng nhìn ra!
Cụ già liền cho ba chàng trai khác tiếp tục đi qua đường. Đến người thứ năm thì người vợ thật kêu to lên mừng rỡ:
– Chàng ơi! Chàng ơi!
Sự việc đã rõ ràng. Cụ già liền theo lệ của làng, nọc cô vợ giả ra đánh một trăm roi. Nhưng chỉ đánh được chục roi thì đau quá, cô vợ giả đã hiện nguyên hình con rắn lục và bò nhanh vào bụi cây trốn mất. Hai vợ chồng chàng thổi sáo vui mừng lạy tạ ông cụ. Ông cụ tươi cười bảo:
– Tìm ra được kẻ gian cho đời là lão vui rồi. Bây giờ lão chỉ muốn được nghe điệu sáo hay nhất của anh thôi!
Chàng trai liền rút cây sáo trúc luôn giắt ở bên mình ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe réo rắt như tiếng chim của trời, của sông, của nước nhưng nổi lên rõ hơn cả là tiếng của con người vui mừng được sống trong lẽ phải và tình thương. Ai nghe cũng ngơ ngẩn say mê.
Hai vợ chồng sau đó cùng nhau trở về nhà. Họ sống bên nhau đầm ấm vui vẻ. Hai vợ chồng cùng làm ruộng. Lúc rảnh chồng lại đem sáo ra thổi cho vợ và hàng xóm cùng nghe. Ngày hội, tiếng sáo của chàng càng làm cho mọi người thêm yêu đời và quý mến nhau.
3. Sự tích hoa Thiên Lý
Một buổi chiều, khi người vợ đang gội đầu, người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim gì thả rơi ở bên chân người vợ một chùm hoa màu xanh phớt vàng có mùi thơm thoang thoảng. Đêm đến mùi hoa càng thơm hơn. Người vợ liền bảo chồng đặt bông hoa bên cạnh cửa sổ để khi có gió, hương hoa càng bay thơm khắp nhà.
Sáng hôm sau, khi ánh bình minh chiếu xuống khắp nơi, hai vợ chồng thức dậy, họ đều lạ lùng khi thấy bông hoa đã kết liền vào một loại dây leo mọc ở cạnh cửa sổ. Và sau đó, không phải chỉ có một chùm hoa, mà rất nhiều chùm hoa khác nở. Hoa màu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt. Loài hoa ấy ngày nay người ta gọi là hoa Thiên Lý. Vì sao lại có cái tên ấy? Vì tên cô vợ thật là Lý. Còn Thiên Lý là vì ông cụ có tài tìm ra mọi việc phải trái, đã dựa vào câu trả lời của cô vợ thật mà đặt tên mới cho cô và trêu cô:
– Tên cô từ nay không phải là Lý mà là Thiên Lý. Thiên Lý nghĩa là nghìn dặm, nghìn dặm mà vẫn nhận ra được chồng mình…!
Các cụ còn nói thêm: Cô vợ giả, tuy đã trở lại kiếp rắn lục nhưng vẫn giữ trong lòng mình mối hận đối với cô vợ thật… Vì vậy ai yêu hoa Thiên Lý, rắn lục không thích đâu. Rắn lục thường bò nấp vào các dây hoa Thiên Lý để mổ cắn những ai thích ngắm hoa Thiên Lý, yêu mùi hương Thiên Lý. Nhưng cho đến nay, càng ngày mọi người càng quý càng yêu loại hoa có mùi hương rất dung dị và mộc mạc này.