Truyện cổ tích

Sự tích cây Xương Rồng (Truyện cổ tích Việt Nam)

1. Gã lái buôn nhẫn tâm

Ngày xưa, ở một miền quê nghèo, có gia đình nọ sống đầm ấm và yêu thương nhau. Hàng ngày người cha vào rừng đốn củi, người mẹ ở nhà lo cơm nước, còn cô gái lo canh cửi dệt lụa.

Năm ấy trời nắng hạn, khắp nơi đồng ruộng khô cháy, mặt đất nứt nẻ, xóm làng hoang vu. Không còn gì để ăn, cô con gái cùng cha mẹ đi tha phương khắp nơi.

Đói, khát đã vắt kiệt sức lực của người mẹ và bà qua đời. Vì muốn có tiền lo ma chay cho mẹ, cô gái phải bán mình làm nô lệ cho 1 gã lái buôn.

Lão lái buôn nảy ra ý nghĩ đem cô đến một kinh thành xa lạ, nơi có chợ buôn nô lệ nổi tiếng, hắn chắc rằng sẽ bán được cô với một cái giá rất hời. Không muốn xa con gái, người cha bèn đến xin gã lái buôn:

– Xin ông hãy cho tôi đi theo với! Tôi còn sức khỏe, tôi có thể có ích cho chuyến đi!

Thấy ông cụ còn khá khỏe mạnh, gã lái buôn đồng ý ngay:

– Được, ngươi sẽ lo việc ăn uống cho bọn nô lệ và chăm sóc lũ lạc đà.

Cuộc hành trình rất dài, qua bao đường đất gập ghềnh, bao đất nước xa lạ với những tập tục mà họ chưa từng thấy bao giờ. Rồi đoàn lữ hành tiến vào sa mạc.

Khí hậu nơi đây thật khắc nghiệt, ban ngày thì mặt trời rừng rực cháy cứ như muốn nấu mọi vật tan chảy ra, ban đêm thì cái lạnh khủng khiếp bao trùm như muốn đóng băng tất cả. Không chống chọi nổi với sức mạnh của thiên nhiên, người cha lâm bệnh nặng. Gã lái buôn nhẫn tâm ra lệnh để ông cụ ở lại:

– Bỏ lão lại đây đi. Lão vô ích rồi!

Cô gái vội quỳ sụp xuống van xin:

– Xin ông đừng bỏ rơi cha tôi.

Mặc cho cô gái kêu gào, gã lái buôn cho người xốc cô lên lưng lạc đà. Đoàn buôn đi xa dần, chỉ còn ông cụ kiệt sức nằm trên cát.

2. Tình thương yêu của hai cha con và câu chuyện Sự tích cây Xương Rồng

Một ngày trôi qua, đoàn buôn tiếp tục tiến sâu vào sa mạc. Bỗng trước mắt họ, một tòa thành cổ dần dần hiện ra sau lớp sương khói mờ ảo.

– Quái thật, ta đã qua lại sa mạc này biết bao nhiêu lần, làm gì có tòa thành này?

Gã lái buôn cẩn thận cho đoàn dừng lại đằng xa, rồi cử người lại gần xem xét. Bỗng đâu bão cát nổi lên, bụi mịt mù bao phủ khắp nơi.

Quá bất ngờ, cả đoàn buôn không kịp chạy trốn và bị chôn vùi trong biển cát sa mạc mênh mông. Riêng cô gái lại không hề hấn gì. Cô thấy 1 thanh niên cao lớn khác thường đang tiến đến.

– Nàng thật là xinh đẹp. Hãy làm vợ ta và trở thành hoàng hậu của sứ sở sa mạc này!

– Thưa ngài đáng kính, ngài chắc là một vị thần đầy quyền uy đã động lòng thương, xin giải thoát tôi khỏi tay bọn buôn nô lệ. Xin hãy cho tôi được đi tìm cha, tôi không thể bỏ ông trong lúc này.

– Không được, giờ thì nàng là của ta.

Nói xong, gã lắc mình hóa thành 1 con rắn hổ mang khổng lồ.

Rắn giam cô gái vào ngục chờ ngày tấn phong làm hoàng hậu. Mòn mỏi nhớ thương cha, cô gái khóc mãi từ ngày này qua ngày khác, đến lúc nước mắt cạn khô, cô gục xuống, ngất lịm.

Kì lạ thay, những giọt nước mắt của cô len lỏi qua khe cửa nhà ngục, hóa thành 1 dòng suối nhỏ. Dòng suối lặng lẽ băng qua sa mạc, tìm đến chỗ người cha đang nằm.

Nhờ dòng suối ấy mà người cha già dần dần hồi sinh. Nhưng nỗi nhớ thương con dày vò, ông lão lại ra đi tìm cô con gái của mình. Ông đi, đi mãi rồi mất hút trong sa mạc thăm thẳm.

Gục ngã vì đói khát, ông hóa thân thành cây Xương Rồng khẳng khiu, trân mình chịu đựng cát nóng dữ dội của sa mạc. Cây Xương Rồng cứ đứng im lìm từ bấy đến nay, như bóng dáng của người cha đang khắc khoải chờ đợi đứa con gái yêu thương trở về.

Sự tích cây xương rồng
Sự tích cây xương rồng

Đôi nét về cây xương rồng

Xương rồng là một loài thực vật mọng nước, có gai, với nhiều dạng phát triển: thành cây lớn, thành bụi hoặc phủ sát mặt đất. Đa số các loài xương rồng đều mọc và phát triển từ đất, nhưng cũng có rất nhiều loài ký sinh trên các loài cây khác để phát triển.

Cánh hoa phân bố đồng đều và đồng tâm, hoa đa phần là lưỡng tính, nở vào cả sáng và tối tuỳ theo loài.

Trung bình, một cây xương rồng sống rất lâu, tới hơn 300 năm, và cũng có loài chỉ sống 25 năm.

Cây xương rồng

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nguồn gốc của cây xương rồng được kể lại qua câu chuyện Sự tích cây Xương Rồng bên trên.

Theo thần thoại Hy Lạp, cây xương rồng được hình thành là do các chị gái của Phaeton thương tiếc khóc than cho cậu em trai mình mà hóa thành. (Phaeton là con trai thần Mặt Trời Helios, bị thần Zeus trừng phạt sau khi điều khiển cỗ xe ngựa của cha mình và gây ra thảm họa tàn khốc dưới trần gian).

Xem truyện Phaeton – con trai thần Thần Mặt Trời trong thần thoại Hy Lạp để hiểu rõ hơn.

Cây xương rồng có những đặc điểm nào thích nghi với môi trường sống khô hạn?

Những đặc điểm giúp cây xương rồng thích nghi tốt với môi trường sống khô hạn, đó là:

  1. Lá xương rồng biến đổi thành gai để hạn chế được sự thoát hơi nước.
  2. Xương rồng là một loài thực vật có thân mọng nước, điều này giúp dự trữ nước cho cây, thân cũng có các rãnh chạy dọc chiều dài thân giúp chuyển nước mưa, nước sương thành một dòng xuống rễ.
  3. Rễ cây dài, lan rộng giúp cây hấp thu nước.

Bài học cho bé

Sự tích cây Xương Rồng là câu chuyện kể về tình cảm yêu thương trong gia đình của hai cha con với nhau và nguồn gốc ra đời của cây xương rồng ngày nay.