Sự tích cây Kim Giao -Truyện cổ tích Việt Nam
Sự tích cây Kim Giao là truyện cổ tích Việt Nam, kể về tình yêu trong sáng của một đôi trai gái, qua đó giải thích về nguồn gốc của cây Kim Giao ngày nay.
Ngày ấy, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết lắm. Người con trai tên là Kim, người con gái tên là Giao. Cả hai gia đình đều rất nghèo túng. Quanh năm làm thuê, làm mướn. Hai bên bố mẹ Kim và Giao rất ưng thuận làm thông gia với nhau.
Kim và Giao đã từng thề thốt kết bạn trăm năm. Nếu không lấy được nhau thì họ sẽ ở vậy chứ nhất định không lấy một ai khác ở trên thế gian này. Mối tình của họ trong như suối, sáng như trăng rằm.
Bỗng nhiên đất nước có nạn ngoại xâm. Lũ giặc tràn từ phương Bắc sang, chiếm đóng khắp nơi, người dân vô cùng cơ cực. Bọn giặc ngoại xâm và bọn quan lại địa phương câu kết với nhau thoả sức vơ vét cướp phá. Khắp nơi nhân dân đã nổi lên chống lại. Tất cả trai tráng đều ra nhập nghĩa quân. Kim cũng xin vào đội quân của những người yêu nước. Chàng đánh giặc rất dũng cảm. Trước ngày cưới mấy hôm thì chàng bị sa vào tay kẻ thù. Chúng đày chày lên vùng rừng núi hoang vu mạn ngược và giao cho một quan lang cai quản.
Kim bị quan lang giam cầm tra tấn rất thậm tệ. Hàng ngày chúng bắt chàng vào rừng đốn gỗ phá núi, lấy đá về xây nhà cho quan lang. Từ ngày xa người yêu, chàng đau khô vô cùng, không lúc nào không nhớ về quê nhà. Sau một thời gian lâm bệnh, người con trai ấy qua đời. Bạn tù và dân địa phương đã chôn cất chàng ngay giữa rừng, bên một dòng suối.
2. Cô gái vượt núi rừng hiểm trở đi tìm người yêu
Lại nói về chuyện cô gái. Sau khi người yêu bị giặc bắt và đày lên rừng, cô rất buồn và thương nhớ người yêu. Vì cô còn trẻ đẹp nên lý trưởng trong làng đã nhiều lần đến gạ gẫm cưới về làm vợ lẽ hắn. Nhưng cô gái nhất quyết cự tuyệt. Vì thương nhớ người yêu nên nàng đã bỏ làng ra đi đến rừng tìm chàng. Nói đến việc nàng đi tìm người yêu, ai nghe cũng cảm động.
Thân gái một mình, đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở. Có nhiều đêm nàng phải ngủ trên cây để tránh thú dữ. Bấy giờ dọc đường rất lắm trộm cướp, nàng phải đóng giả người ăn mày để chúng khỏi để ý. Đi bộ ngày này qua ngày khác, thế rồi nàng cũng tìm được đến nơi chúng giam người yêu.
Khi đến nơi, người yêu không còn nữa. Tin sét đánh làm nàng như đứt từng khúc ruột. Nàng ôm lấy mộ người yêu, nước mắt như mưa. Sau đó nàng gục xuống và chết ngay ở bên suối. Người dân địa phương đem chôn nàng ở bên cạnh người con trai. Hai nấm mộ nằm sóng đôi giữa khu rừng vắng.
3. Sự tích cây Kim Giao
Sau đó, giữa hai nấm mộ mọc lên một cái cây rất thẳng. Thứ cây rất lạ, chưa ai thấy bao giờ. Lá cây phía trên có màu xanh thẫm rất bóng, phía dưới màu trắng bạc. Cây toả mùi hương thơm ngan ngát như mùi trầm. Đêm đêm từ cây ấy vọng ra một thứ tiếng trầm trầm như người hát, ai oán rất buồn.
Quan lang thấy vậy tưởng cây có ma, hắn rất hoảng sợ, liền đem dao ra chặt đi, nhựa cây bắn vào mắt hắn, tự nhiên hai mắt hắn bị mù tịt. Còn vợ con trong nhà thì sinh ốm đau thập tử nhất sinh.
Cái cây sau khi bị quan lang chặt, lại bật chồi lên, chẳng bao lâu cây lại xanh tốt như cũ. Từ ấy trở đi không ai dám chặt cây nữa.
Người dân trong vùng rất yêu quý giống cây ấy. Nhiều người bị cảm, bứt một nắm đem bỏ vào nấu nước xông sẽ khỏi, nhưng điều kỳ lạ nhất của giống cây này là gỗ của nó đem vót làm đũa ăn cơm, khi nhúng vào thức ăn có thuốc độc, đũa sẽ sủi ngay lên một thứ bọt đen báo cho người ta biết. Vì thế, thứ gỗ quý ấy đã cứu được bao nhiêu người khỏi chết oan.
Người dân trong vùng gọi giống cây lạ ấy là cây Kim Giao.
Đặc điểm của cây Kim Giao
Cây Kim Giao có danh pháp khoa học Nageia fleuryi, thuộc loài thực vật trong họ Podocarpaceae. Đây là một loại cây gỗ nhỡ, cao khoảng từ 15 – 25m. Thân thường thẳng và tán cây hình tháp. Các cành nhánh của cây thường mọc ngang và rủ xuống. Vỏ thân cây màu nâu xám và thường bong mảng. Lá cây thường có hình bầu dục hoặc mũi mác, đầu lá hình nhọn, đuôi lá hình nêm.
Kim Giao là một loại gỗ quý, được lưu trong sách đỏ của Việt Nam. Gỗ kim giao là loại gỗ có thớ mịn, nhiều vân đẹp, được sử dụng rất nhiều trong sản xuất đồ mỹ nghệ.
Lá cây kim giao có thể dùng để sắc uống, chữa ho ra máu và sưng cuống phổi, cũng dùng làm thuốc giải độc.
Đặc biệt, gỗ của cây Kim Giao thường được các vua chúa, quan lại ngày xưa dùng làm đũa, để phát hiện những thức ăn có trộn với thuốc độc.
Theo văn học dân gian Việt Nam, nguồn gốc của loài cây này được biết đến qua câu chuyện Sự tích cây Kim Giao kể trên.
Truyện Sự tích cây Kim Giao–Truyenchobe.com