Truyện ngụ ngôn

Con Cóc và con Chuột (Truyện ngụ ngôn Việt Nam)

Truyện ngụ ngôn Con Cóc và con Chuột

Con Cóc và con Chuột (Truyện ngụ ngôn Việt Nam)
Con Cóc và con Chuột (Truyện ngụ ngôn Việt Nam)

Con Cóc và con Chuột là truyện ngụ ngôn Việt Nam mang màu sắc một câu chuyện cười thú vị, nhắc nhở khéo chúng ta hãy cẩn trọng trước những lời nói của mình.

Ngoài ra, truyện còn giải thích một cách hóm hỉnh vì sao con Cóc ngày nay lưng bị cong lại và nghiến răng kèn kẹt.

Xưa có một con Cóc làm bạn với một con Chuột thân lắm. Chuột thường vẫn xuống nhà Cóc chơi luôn.

Sau Cóc nghe nói vợ Chuột mới nằm bếp [1], Cóc nghĩ mình là bạn, muốn đến mừng. Nhưng Chuột làm tổ trên cây cao, Cóc không biết làm sao lên được.

Một hôm, Cóc gặp Chuột đang đi chợ, Cóc nói với Chuột rằng:

– Tôi nghe bác mới ở cữ cháu trai, lấy tình anh em, tôi cũng muốn đến, trước là thăm hai bác, sau là mừng cho cháu. Song tôi không biết làm thế nào mà lên chơi được.

Chuột nói:

– Bác có lòng lên chơi với thầy cháu và mừng cho cháu, thì tôi cũng có cách đưa bác lên dễ lắm.

Cóc bảo:

– Làm thế nào mà lên được?

Chuột nói:

– Tôi có cái đuôi dài, bác ngậm vào cái đuôi ấy, tôi lên được thì bác cũng lên được.

Cóc nghe nói vui lòng ngậm vào đuôi Chuột để Chuột kéo lên cây. Đến lúc lên tới gần cửa, Chuột đực trong nhà chạy ra vồn vã [2] hỏi:

– Ô kìa bác Cóc! Lâu nay chúng tôi vẫn mong bác, mời bác lên chơi.

Cóc thấy nói, mở miệng để đáp lại, nhưng chưa kịp đáp thì đã rơi bịch xuống đất, xương sống gãy và lưng cong lại.

Từ đó, Cóc có bệnh đau lưng, hễ khi nào giở trời, thì cứ ngồi mà nghiến răng kèn kẹt.

Truyện ngụ ngôn Con Cóc và con Chuột
Nguồn: Tập đọc lớp 2, tập 1, trang 53, NXB Giáo dục – 1958

Chú giải trong truyện Cóc và Chuột

[1] Nằm bếp: ở cữ. Ở nước ta thời xưa, khi người phụ nữ đẻ, người ta nhóm một bếp lửa đặt trong buồng, cạnh giường của sản phụ, vừa để giữ độ ấm, vừa có ánh lửa để xua đuổi xú khí, tà ma có thể làm hại đến cơ thể còn yếu của đứa trẻ và người mẹ. Từ đó mới có từ “nằm bếp”.

[2] Vồn vã: vui vẻ, đầy nhiệt tình khi tiếp xúc, thường dùng trong bối cảnh tiếp khách, chào hỏi.