365 truyện kể cho bé trước khi đi ngủ

Trăng lưỡi liềm đã mọc

Trăng lưỡi liềm đã mọc
Trăng lưỡi liềm đã mọc

Trăng lưỡi liêm đã mọc, mèo con ngồi rửa mặt, nói:

“Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải đi ngủ thôi, ngày mai còn đi tắm nắng cùng bà nội.”

Trăng lưỡi liềm đã mọc, ngỗng mẹ uống một ngụm nước rồi nói: “Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải đi ngủ thôi, ngày mai còn xuống sông bắt cá cho các con yêu.”

Trăng lưỡi liềm đã mọc, gà trống quệt chiếc mỏ xuống đất, nói: “Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải đi ngủ thôi, ngày mai còn gáy sáng đánh thức mọi người dậy.”

Trăng lưỡi liềm đã mọc, cún con vươn vai, nói: “Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải đi ngủ thôi, ngày mai còn phải trông nhà.”

Trăng lưỡi liềm đã mọc, em bé đánh răng, rửa mặt xong, nói: “Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải đi ngủ thôi, ngày mai còn đến lớp.”

Trăng lưỡi liềm đã mọc, chim cú mèo đứng trên cành cây, mở tròn xoe đôi mắt to, nói: “Trăng lưỡi liềm đã mọc rồi, mình phải trực đêm thôi.” Trăng lưỡi liềm đã lên tới giữa bầu trời, bốn bề tĩnh mịch, chỉ còn chim cú mèo vẫn mở tròn đôi mắt, nhìn chăm chú vào màn đêm yên tĩnh…

Thơ trăng lưỡi liềm

Những ngôi sao trên trời
Như cánh đồng mùa gặt
Vàng như những hạt thóc
Phơi trên sân nhà em

Vầng trăng như lưỡi liềm
Ai bỏ quên giữa ruộng
Hay bác thần nông mượn
Của mẹ em lúc chiều

Trò truyện cùng bé

Trăng lên báo hiệu màn đêm xuống. Các bạn nhỏ đều đã đi ngủ, chỉ còn ai thức? Là cú mèo! Vì cú mèo bắt chuột trong đêm. Ngoài cú mèo ra bé có biết được có những ai làm việc về đêm, có những loài vật nào hoạt động về đêm không?

Đố bé

Trông xa tưởng là mèo

Lại gần hóa ra chim.

Ban ngày ngủ lim dim

Ban đêm rình bắt chuột ( Là con gì? – Cú mèo)

Tìm hiểu sơ lược về chim cú mèo

Chim cú mèo
Chim cú mèo

Cú mèo là loài chim to có đôi mắt tròn và rực sáng trong bóng đêm như mắt của loài mèo nên người ta đặt cho chúng một cái tên đó là chim cú mèo. Chúng chủ yếu hoạt động về đêm còn ban ngày nó ngủ ở trong các lùm cây. Có thể bạn chưa biết, bởi thị giác bị hạn chế nên loài chim này chỉ có thể bay gần, từ cành này sang cành khác mà không bay xa được.

Tập tính ăn thịt động vật cùng tiếng kêu rờn rợn vào buổi tối và nhất là ban đêm đã khiến không ít người áp đặt rằng cú mèo luôn gắn với sự xui xẻo, cảnh báo cho điềm gở hay là tiếng gọi của vong hồn từ một nơi xa xăm. Tuy vậy, ngày nay các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếng kêu của chim cú mèo chỉ đơn thuần là dấu hiệu báo sắp đến mùa sinh sản nhằm mời gọi bạn tình hoặc để khẳng định lãnh địa của chúng. 

Loài chim này sống và làm tổ trong các hốc cây, đôi khi trên cả nóc nhà tại các khu vực làng mạc hay bìa rừng. Chúng rất ít khi thay đổi khu vực kiếm ăn và nơi sinh sống trừ khi có sự xáo trộn đặc biệt. Loài chim này còn giúp ích rất nhiều cho con người khi chúng chính là “thiên địch” của loài chuột. 

—truyenchobe.com—-