Thần gỗ (Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam)
Truyện cổ tích Thần gỗ
Thần gỗ là truyện cổ tích Tày, Nùng, ca ngợi giá trị của việc trồng cây gây rừng giúp người dân miền ngược được sống trong những ngôi nhà gỗ cao ráo hơn.
1. Giấc mơ của ông lão
Xưa kia, vùng này chỉ có đồi trọc, đồi tranh, đồi sim hoặc tre nữa. Không có gỗ, phải dựng lều mà ở. Mưa to gió lớn là lều đổ. Những nhà giàu có phải đi chặt gỗ ở rừng xa, đài tải [1] về, công phu và tốn kém.
Nhà nọ có những tám người chui rúc trong một gian lều tranh chật chội. Một hôm, ông bố nằm mơ đi đến một cánh rừng gỗ quý, nào là lim, sến, táu,… những thứ này mà làm nhà thì không sợ mối mọt, cứng như sắt, không bao giờ hư hỏng. Ông ta ngắm nghía, nghĩ bụng:
– Giá ở vùng ta cũng có các thứ cây này thì hay biết bao nhiêu! Làm nhà mà ở, trăm năm vẫn bền!
Đang suy nghĩ, bỗng nghe có tiếng đàn sáo đâu đây. Ngoảnh lại nhìn thì thấy một bầy tiên nữ đang múa hát trên đám cỏ xanh non. Ông ta chưa kịp lánh đi thì một cô tiên chạy lại hỏi:
– Ông lão từ đâu đến đây? Có việc gì?
– Thưa, lão ở xa lắm. Lão đi tìm cây gỗ về làm nhà, đến đây lão thấy gỗ bạt ngàn, cây nào cây nấy cao to, thẳng tắp. Lão trông thích quá!
– Cả rừng đấy, tha hồ lão chặt. Muốn lấy cây nào, lão cứ chặt cây ấy!
– Nhưng lão ở xa, lão làm sao chở về được?
Một cô tiên khác nhìn ông tỏ vẻ thương cảm, rồi nói:
– Được rồi! Lão không phải vác về đâu! Ta cho cái hộp này, lão cầm về, sẽ có tất cả. Nhưng về đến nhà mới được mở.
Rồi cô tiên lấy trong tay áo ra một cái hộp đưa cho lão. Ông ta bỏ vào đẫy [2], trở về. Dọc đường, nghe mùi gỗ thơm từ trong hộp đưa ra, ông ta hết sức tò mò. Nhưng nhớ lời tiên dặn, ông ta nén được. Còn mấy cái dốc nữa thì về đến nhà, ông ta đặt đẫy ngồi xuống bờ suối nghỉ chân. Mùi gỗ thơm trong hộp bay ra ngào ngạt. Ông ta cầm cái hộp ngắm nghĩa một lúc. Không dừng được nữa, ông ta định bụng chỉ hé ra xem một tí rồi đóng lại ngay, chắc sẽ không sao.
Nào ngờ, nắp hộp vừa hé mở thì từ trong hộp, nào cột, kèo, hoành, xà, ván gỗ tuôn ra ào ào, lao xuống núi. Cầm cái hộp không trong tay, ông ta tiếc ngẩn ngơ. Đứng tần ngần một lúc, ông ta quay trở lại. Các tiên nữ vẫn còn ở đấy, đang múa hát cười đùa. Ông ta kể hết đầu đuôi và xin một hộp khác.
Cô tiên lớn nhất, đẹp nhất, nói:
– Lần này ta đưa cho lão những thứ quý gấp trăm gấp nghìn lần những thứ kia. Nhưng lão phải giữ lời hứa, nhất thiết về đến nhà mới được mở ra.
Cái hộp này nhẹ hơn nhiều, chỉ bằng hộp diêm, không đưa ra mùi gì cả, lắc nghe lốc cốc như hạt đỗ. Ông ta lại bỏ vào đãy, cảm tạ ra về, bụng bảo dạ sẽ không làm trái lời tiên dặn nữa.
2. Câu chuyện về Thần gỗ
Bỗng có tiếng chim hót sau túp lều, ông ta mở choàng mắt, tỉnh giấc. Thì ra là một giấc mơ. Vợ con đã đi nương rẫy cả. Lão nằm cố nhớ lại từng chi tiết một, càng nghĩ càng thấy lạ. Một ý nảy ra trong đầu ông ta:
– À, phải rồi! Những đồi này chưa có gỗ thì ta sẽ trồng gỗ. Có như thế mới có gỗ làm nhà. Các cô tiên cho ta cái hộp ấy là có ý bảo ta tìm hạt cây mà gieo trồng. Lúa khoai trồng được thì gỗ cũng phải trồng mới có. Không thể tự nhiên mà mọc.
Thế rồi, ông ta sai sáu người con mỗi người đi một hướng tìm hạt cây mang về. Không bao lâu, những đồi trọc, đồi tranh, đồi sim, tre nứa trước kia biến thành một khu rừng toàn gỗ quý. Không còn ai phải ở những túp lều lụp xụp như xưa nữa, mà ở nhà sàn cao ráo, rộng rãi như ngày nay.
Cảm kích trước công việc giá trị và ý nghĩa của ông, người dân trong bản đã gọi ông là Thần gỗ. để thể hiện sự kính trọng.
Chú thích trong câu chuyện cổ tích Thần gỗ
[1] Đài tải: chuyên chở.
[2] Cái đẫy: một loại vật đựng, làm bằng vải như cái túi, cái bị, hoặc tay nải. Người Việt xưa đi xa thường đựng hành lý trong cái đẫy, khoác vào vai như ta đeo balô, túi bây giờ.
[3] Bạt ngàn: mênh mông.