Nuôi dạy con Truyện cổ tích

Sự tích Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) – Truyện truyền thuyết Việt Nam

Sự tích Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) – Truyện truyền thuyết Việt Nam về lịch sử hồ Gươm – Hà Nội, Rùa thần, gươm báu và anh dùng dân tộc Lê Lợi.

Thời xưa, giặc Minh tàn bạo đến cướp nước ta. Chúng cướp của giết người, đốt nhà, khắp nơi nhân dân ta rất khổ cực.

Thuở ấy, ở nước ta có ông Lê Lợi, thấy giặc Minh đã cướp nước ta, lại giết dân ta thì vô cùng căm giận, bèn nổi lên đánh lại chúng.

Năm ấy, sau một trận đánh lớn, Lê Lợi đem quân về trú tại một làng nhỏ ven sông Hồng. Nhân lúc rỗi rãi, mấy người lính của Lê Lợi bèn rủ nhau đi đánh cá. Họ chọn một khúc sông sâu để thả lưới. Vừa buông lưới được một lúc, họ đã thấy mặt nước sông xao động. Đoán chắc là đã có cá to mắc lưới, họ bèn bảo nhau kéo lưới lên thì thấy trong lưới chỉ có một thanh gươm. Ngạc nhiên, mọi người xúm lại gỡ thanh gươm ra khỏi lưới rồi chuyền tay nhau xem. Thấy đó là một thanh gươm chuôi nạm ngọc rất đẹp, một người lên tiếng:

– Không hiểu ai có thanh gươm quý thế này mà lại để rơi xuống sông nhỉ?

Vừa dứt lời thì từ mặt sông có tiếng nói vọng lên:

– Thanh gươm đó là của ta. Ta cho Lê Lợi mượn để giết giặc Minh, các ngươi hãy mang thanh gươm đó về dâng cho Lê Lợi.

Đột nhiên nghe tiếng nói lạ, mấy người lính hoảng sợ đưa mắt nhìn nhau. Người lớn tuổi nhất hỏi:

– Nhưng người là ai? Tên người là gì? Xin cho chúng tôi biết để chúng tôi còn về thưa lại với chủ tướng Lê Lợi.

Tiếng nói lúc này lại từ mặt sông vọng lên. Lần này rành rọt hơn:

Ta là Long Quân. Lưỡi gươm ấy là lưỡi gươm thần ta cho Lê Lợi mượn để giết giặc Minh. Các người hãy mang thanh gươm này về dâng cho Lê Lợi.

Lê Lợi đã dùng thanh gươm đó đánh cho giặc Minh thua chạy tơi bời. Nhiều trận, quân giặc chết như rạ. Về sau giặc Minh sợ quá, cả quân lẫn tướng phải kéo nhau ra xin hàng Lê Lợi. Từ đấy, nhân dân ta mới được sống yên vui.

Sự tích Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm)
Sự tích Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm)

Một năm sau, nhân ngày trời trong, gió mát, Lê Lợi cùng các quan đi thuyền dạo chơi trên hồ Tả Vọng. Thuyền vừa đến giữa hồ thì bỗng thấy một con rùa vàng rất to từ dưới nước nhô lên. Mọi người hoảng sợ nhưng sau thấy rùa vàng không có ý làm hại ai thì mọi người mới yên tâm.

Rùa vàng nổi hẳn mình lên mặt nước, hướng về phía thuyền vua gật đầu ba cái chào vua Lê rồi nói:

– Xin nhà vua trả gươm cho Long Quân.

Thoạt nghe rùa vàng đòi gươm, Lê Lợi rất ngạc nhiên nhưng sau nhớ lại thanh gươm mấy người lính đã dâng cho mình dạo nọ, Lê Lợi mới hiểu ra. Ông liền quay lại rút thanh gươm vẫn đeo bên mình ra khỏi vỏ. Thì lạ chưa, thanh gươm rời khỏi tay nhà vua, bay vụt về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa vàng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước.

Từ đó, để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Long Quân đã cho mình mượn gươm thần giết giặc, Lê Lợi bèn đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.

Ý nghĩa của truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm

Sự tích Hồ Gươm ca ngợi tính chính nghĩa, tính nhân dân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được nhân dân mọi miền ủng hộ nên cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Đồng thời Sự tích hồ Gươm cũng giải thích nguồn gốc tên gọi của hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) ở Hà Nội.

Xem thêm:

– Sự tích chú Cuội cung trăng

– Sơn Tinh – Thủy Tinh, Truyện truyền thuyết nổi tiếng của Việt Nam

– Cô bé quàng khăn đỏ – Truyện cổ tích nổi tiếng nhất thế giới

Sự tích hoa Tulip (Hoa uất kim hương)  – Truyện cổ tích về các loài hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *