Sự tích con Trâu (Truyện cổ tích loài vật Việt Nam)
Câu chuyện Sự tích con Trâu
Sự tích con Trâu là truyện cổ tích Việt Nam, giải thích cho các bạn nhỏ biết vì sao cỏ lại mọc ở khắp mọi nơi và nguồn gốc xuất hiện của con Trâu ngày nay.
Con Trâu là đầu cơ nghiệp
– Tục ngữ Việt Nam –
1. Vị thần gieo hạt giống
Ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng, vị vua trên thiên đình đã tạo ra trái đất và để cho loài người cùng muông thú chung sống cùng nhau.
Ngọc Hoàng rất hài lòng khi hai loài sống hòa hợp với nhau nên đã sai một vị thần xuống trần gian gieo trồng lúa, đậu và một vài loại ngũ cốc khác để giúp cho muôn loài có thức ăn. Ngọc Hoàng để các loại hạt giống vào trong một cái túi bằng vàng và căn dặn vị thần gieo chúng dọc theo trái đất.
Sau đó, ngài đưa cho vị thần thêm một chiếc túi khác có chứa các hạt cỏ dại dành cho các loài thú và bảo ông ta gieo chúng vào những nơi mà hạt giống của loài người không nảy mầm. Ngọc Hoàng tin rằng tất cả con người và muông thú mà mình đã tạo nên sẽ không bao giờ bị đói nhờ vào các hạt giống này.
Sau đó, ngài đưa cho vị thần thêm một chiếc túi khác có chứa các hạt cỏ dại dành cho các loài thú và bảo ông ta gieo chúng vào những nơi mà hạt giống của loài người không nảy mầm. Ngọc Hoàng tin rằng tất cả con người và muông thú mà mình đã tạo nên sẽ không bao giờ bị đói nhờ vào các hạt giống này.
Vâng lệnh Ngọc Hoàng, vị thần mang theo hai chiếc túi vàng xuống trần gian. Khi vừa xuống trần gian, vị thần lập tức rải hạt giống xuống một vùng đất rộng lớn. Ông ta nghĩ nếu hoàn thành nhiệm vụ sớm chừng nào thì càng được trở về thiên đình sớm chừng đó. Nhưng ngạc nhiên thay, cỏ dại bắt đầu mọc lên nhanh chóng từ những nơi vị thần vừa rải hạt giống. Vị thần lập tức nhận ra mình đã lấy hạt giống nhầm túi và nhanh chóng sửa sai bằng cách rải lại các hạt giống ngũ cốc từ chiếc túi kia.
Tuy nhiên, đã quá muộn để vị thần có thể sửa chữa được lỗi lầm của mình. Cỏ dại mọc nhanh hơn các loại ngũ cốc và hấp thu hết lượng nước, không khí và ánh mặt trời dùng để nuôi dưỡng ngũ cốc. Nhận thấy không còn cách nào để khắc phục được tình trạng này nữa, vị thần quyết định trở về trời. Do e ngại Ngọc Hoàng, ông ta đã không hé một lời nào về việc mình đã làm.
2. Sai lầm của vị thần và câu chuyện sự tích con trâu
Không lâu sau, loài người bắt đầu kêu ca về nạn đói. Họ thắc mắc với Ngọc Hoàng tại sao các loài vật lại có một vùng đồng cỏ rộng lớn trong khi con người chỉ có một chút ít ngũ cốc. Họ cũng phàn nàn quá trình gieo trồng hết sức mệt nhọc và mất nhiều thời gian bởi các loại hạt giống quá bé. Ngọc Hoàng liền truy hỏi nguyên nhân gây nên những lời than phiền của loài người. Sau khi biết được những tai hại gây nên bởi vị thần, Ngọc Hoàng đã quở trách ông ta về những sai lầm của mình.
Mặc dù Ngọc Hoàng có một trái tim bao dung nhưng những thiệt hại mà vị thần gây ra lần này quả thật quá lớn. Ngài đã quyết định trừng phạt vị thần để ông ta biết được lỗi lầm của mình. Sau khi biến vị thần thành một con trâu, Ngọc Hoàng đã nói:
– Sai lầm của ngươi đã làm cho cỏ dại mọc lên nhiều hơn các loại cây trồng và ngũ cốc. Ngươi buộc phải ăn hết chúng vì chúng chẳng có ích gì cho loài người cả. Bên cạnh đó, bởi vì ngươi khiến cho loài người phải lao động vất vả hơn, ngươi sẽ phải ở lại trần gian vĩnh viễn để giúp những người nông dân cày cấy trên cánh đồng.
Thậm chí cho đến nay, trâu vẫn bị đưa ra xa nếu người ta thấy nó đi vào các ruộng lúa. Tuy nhiên, trâu vẫn được coi trọng vì nó đã từng phục vụ Ngọc Hoàng vào thời xa xưa. Mặc dù hình dáng không được đáng yêu lắm nhưng trâu chính là một vị thần khốn khổ bị trừng phạt mãi mãi do một lỗi lầm nhất thời.
Đôi nét về con Trâu
Trâu nhà (hay còn gọi là trâu nước) là những loài trâu đã được con người thuần hóa thuộc họ Trâu bò (Bovidae). Chúng đã được lai tạo, chọn giống chủ yếu là ở châu Á từ hàng ngàn năm để con người sử dụng trong hoạt động sản xuất, hoạt động nông nghiệp.
Trâu có sừng dài, ngắn cong khác nhau để sống phù hợp với thiên nhiên, da trâu mướt láng bóng dày, tuyến mồ hôi không phát triển và không thoát ra ngoài được nhiều để hạ nhiệt cơ thể, để giải nhiệt chúng có thói quen thích đằm mình nơi nào có nước hay sình lầy.