Sự tích con nhện
Sự tích con nhện là một truyện cổ tích Philippines đặc sắc về một cô gái có tài dệt rất khéo léo. Tài năng của cô gái là hiếm có, tiếng tăm của cô được truyền khắp vùng… Các em cùng đọc truyện để biết thêm về cô gái này nhé!
Sự tích con nhện – Truyện cổ tích Philippines chọn lọc dành cho bé
Ngày xưa có một người thợ dệt rất khéo tay được gọi là Gamba. Cô là người thợ giỏi nhất làng và tiếng tăm của Gamba đã được truyền khắp vùng.
Đó là lý do mà cô luôn tự hào về bản thân mình, cũng như cô luôn ngẩng cao đầu khi ra ngoài và không cần chú ý đến một ai.
Một hôm em gái của Gamba hỏi cô rằng: “Ate, chị có thể cho em mượn kim thêu của chị được không?”.
Ate là tiếng filipino được dùng để gọi một người chị theo cách tôn kính nhất. Nó có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc được đặt trước tên gọi của một người. Nó được phát âm là Ah-teh.
Nhưng Gamba tỏ ra vô cùng giận dữ và hét lên: “Tránh xa chị ra. Và đừng bao giờ nghĩ đến việc mượn đồ thêu của chị. Em chỉ làm hư nó và không có đủ tiền để đền cho chị đâu. Để nó lại đó!”
Người em gái nghèo đã khóc nức nở vì bị người chị đối xử tệ bạc. Cô cảm thấy dường như Gamba không xem cô là em gái. Thực sự việc sống chung với người chị như Gamba là điều vô cùng khó khăn. Cô ước gì chị cô có thể đối xử tử tế với cô và tất cả mọi người xung quanh.
Một lúc sau đến lượt em trai của Gamba nhờ vả cô: “Ate, chị có thể may lại cái áo đã mòn rách này của em không? Em không còn gì để mặc nữa, em chỉ có cái áo này thôi”.
Gamba lại tiếp tục gầm lên: “Hãy biến đi! Cậu có biết là cậu đang làm phiền chị hay không? Cậu hãy đến nhờ mẹ đi, bà ấy sẽ sửa áo cho cậu. Bà già đó rất rảnh rỗi và không có việc gì làm đâu. Đi đi!”
Khi nghe được những lời nói kiêu ngạo và vô cùng hỗn xược của con gái, mẹ Gamba rất giận dữ. Bà chỉ muốn tát con gái để dạy cho cô một bài học về cách tôn trọng người khác, nhưng rốt cuộc bà đã không làm điều này.
Thay vào đó, bà chỉ nói rằng: “Bấy nhiêu đó là quá đủ rồi Gamba! Đó là công việc và nghĩa vụ của con. Đó là cách mà còn thể hiện tình thương và sự tử tế đối với các em”.
Bà tiếp tục mắng con gái: “Không chỉ riêng họ, con còn phải đối xử tử tế và giúp đỡ những người khác khi họ cần.”
Nhưng Gamba giả vờ như không nghe thấy những điều mà mẹ cô vừa nói. Cô tiếp tục dệt và dệt.
Một đêm hôm nọ khi đến giờ ăn tối, mẹ của Gamba gọi cô ấy xuống ăn.
Nhưng đáp lại chỉ là một sự gắt gỏng: “Cái gì? Mẹ có biết mẹ đang làm phiền con nữa không? Mẹ không thấy con chưa dệt xong à?”
Người mẹ ân cần nói: “Con khiến mẹ lo lắng quá. Vì nếu như con làm việc quá sức và bỏ bữa ăn con sẽ bị bệnh.”
Lần này Gamba thô lỗ trả lời: “Đó không phải là việc của mẹ!”.
Tuy nhiên, mẹ Gamba vẫn từ tốn giải thích: “Việc bỏ bữa của con là một tội lỗi đối với Thượng Đế. Vì con đã từ chối ân huệ của người! Con biết điều đó mà!”
Vẫn giọng nói giận dữ, Gamba hét lớn: “Tội lỗi gì cơ? Và dù cho có tội hay không con cũng không quan tâm. Con lặp lại một lần nữa hãy để con yên và để con làm những gì mình nên làm”.
Người mẹ bật khóc nói rằng: “Mẹ hy vọng Thượng đế sẽ tha thứ cho con”. Sau đó người mẹ quay trở lại bàn ăn.
Cả hai người em của Gamba đều chứng kiến cách cư xử tệ bạc của cô đối với mẹ. Khi này cô em gái vô cùng khó chịu, cô lầm bầm trong miệng với ước mong rằng: “Ước gì chị sẽ phải dệt vải suốt cuộc đời còn lại”.
Người em trai của cô cũng thêm vào: “Vâng em cũng mong muốn điều đó. Em ước gì chị ấy chỉ có thể dệt, dệt và dệt”.
Và rồi mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi Thượng Đế nghe được điều ước của họ. Với giọng nói mạnh mẽ và cương nghị, ngài tức giận nới với Gamba:
“Với tài năng mà ta cho con, con đã trở nên quá kiêu ngạo. Con không biết yêu thương và đối xử tử tế với anh chị em của mình và cả với những người cần con giúp đỡ. Con cũng không biết tôn trọng người mẹ có công dưỡng dục và thậm chí là con không dành một vị trí nào cho bà ấy trong trái tim của mình”.
“Không dừng lại ở đó, ân huệ mà ta ban trên bàn ăn cũng bị con từ chối. Do đó hình phạt dành cho con chính là con sẽ phải dệt mọi lúc mọi nơi trong suốt cuộc đời của mình”.
Khi Thượng Đế vừa dứt lời Gamba đột nhiên biến mất khỏi nơi đang ngồi. Thay vào đó là sự xuất hiện của một sinh vật lạ. Con vật này đang dệt những mạng nhện ngay tại chiếc ghế của Gamba.
Chứng kiến cảnh tượng đó người mẹ đã vô cùng đau đớn trước số phận của con gái mình. Bà đã khóc thương cho con và ước gì giá như con gái học được cách yêu thương và tôn trọng mọi người, thì điều này đã không xảy ra.
Nhưng tất cả những điều mà bà có thể làm bây giờ là vuốt ve con vật nhỏ bé và gọi tên con gái “Gamba, Gamba”.
Từ đó trở đi người ta gọi sinh vật này là “Gagamba”, trong tiếng Tagalog nó có nghĩa là con nhện. Nhưng khác với Gamba, con vật này không dệt vải cùng với một sợi chỉ, mà nó tạo nên một mạng nhện từ chính cơ thể của mình.
Ý nghĩa Sự tích con nhện
Để dệt lên một tấm vải đẹp cần rất nhiều công sức, sự khéo léo, tập trung và cẩn thận. Vì vậy, ngày xưa những người thợ dệt vải giỏi đều được mọi người rất yêu quý và kính phục. Trong sự tích con nhện, các em thấy Gamba là một cô gái như vậy. Em rất có tài dệt vải. Tài năng và sự khéo léo của em mọi người ở khắp gần xa đều khâm phục và ngưỡng mộ em.
Nhưng tài năng quá cũng làm Gamba trở nên kiêu ngạo! Em đã tự đánh mất mình. Em xem thường mọi người và chỉ coi công việc của em mới là quan trọng và là duy nhất. Sự kiêu ngạo của em đã làm Thượng đế nổi giận. Ngài đã biến em thành con nhện, cả đời chỉ biết mỗi việc giăng tơ.
Các em à, có tài là rất tốt! Nhưng có tài mà biết đem tài năng đó để phục vụ mọi người, thì mình sẽ được mọi người yêu mến và quý trọng phải không các em?
Đọc thêm truyện cổ tích: