Truyện cổ tích

Bông hoa với ba điều ước (Truyện cổ tích Ba Na)

Câu chuyện Bông hoa với ba điều ước

Bông hoa với ba điều ước là truyện cổ tích của người Ba Na, cho thấy niềm vui trong cuộc sống đôi khi chỉ là được làm những công việc có ích với mọi người.

1. Rít vừa được cha nuôi truyền cho nghề giỏi thì cha nuôi qua đời

Ngày xưa, ở buôn [1] nọ có một cậu bé tên là Rít. Rít mồ côi bố mẹ, được bác thợ rèn [2] trong buôn đem về nuôi. Chẳng bao lâu, cậu đã biết kéo bễ [3] giúp cha nuôi rèn cuốc, dao cho bà con trong buôn.

Cha nuôi Rít là một người thợ rèn giỏi. Bác được bà con trong buôn và người quanh vùng yêu mến. Dù ở xa mấy, họ cũng lội suối, trèo đèo, mang cuốc hư, dao hỏng đến cho bác rèn chữa hộ. Nhờ công bác mà người dân quanh vùng có dao, cuốc, thuổng dùng trong việc trồng trọt. Nương rẫy [4] đầu ắp lúa, ngô. Buôn làng vui tươi no ấm.

Bác thợ rèn thấy Rít chăm chỉ, siêng năng nên truyền tất cả mọi điều hay trong nghề cho con. Rít cặm cụi học cha.

Ít lâu sau, người cha nuôi qua đời. Nghe tin bác thợ rèn mất, mọi người đều thương tiếc. Rít lại càng buồn hơn, đi lang thang [5] trong rừng chẳng chịu làm gì.

Bông hoa với ba điều ước (Truyện cổ tích Ba Na)
Bông hoa với ba điều ước (Truyện cổ tích Ba Na)

2. Bông hoa với ba điều ước

Rít đang đi bỗng nghe tiếng gọi đằng sau. Quay lại, Rít thấy một ông già tay chống gậy, tóc bạc phơ, đôi mắt sáng như sao. Đặc biệt là trên chiếc gậy của ông cụ lại nở rất nhiều bông hoa đẹp, hương thơm ngào ngạt. Ông cụ đến gần Rít xoa đầu, vỗ vai cậu bé rồi hỏi:

– Sao cháu lại đi lang thang trong khu rừng này?

Rít buồn rầu thưa:

– Thưa ông, cha cháu là bác thợ rèn nổi tiếng nhất vùng này. Nay cha cháu mất rồi, cháu buồn quá.

– Thế cháu có muốn trở về làm thợ rèn như cha cháu không?

– Thưa ông, cháu không muốn. Nghề ấy vất vả quá!

– Nếu vậy ông cho cháu ba bông hoa với ba điều ước [6]. Cháu muốn ước điều gì thì cầm bông hoa tung lên là sẽ được điều ấy. Nhưng mỗi bông hoa chỉ được một điều ước thôi. Khi nào cháu không thích điều đó nữa thì tức khắc cháu lại được như ý muốn.

Ông lão ngắt ba bông hoa ở chiếc gậy trúc [7] đưa cho Rút rồi biến mất.

3. Rít thực hiện cả ba điều ước mà cuộc sống vẫn chẳng hơn gì

Rít cầm ba bông hoa và tiếp túc đi.

Bỗng Rít nhớ lại lời cha kể, trên đời chỉ có vua là giàu có nhất, có nhà cao cửa rộng, lại mặc quần áo sang nhất, ăn ngon nhất. Rít nhìn bông hoa và tự nhủ [8]:

– Ồ, thế thì tội gì ta không làm vua?

Rít liền tung bông hoa thứ nhất lên. Trong nháy mắt, mọi thứ đều thay đổi. Rít bệ vệ trong bộ quần áo thêu rồng và giát vàng óng ánh. Rít ở trong cung điện lộng lẫy, có kẻ hầy người hạ… Nhưng chỉ mấy ngày sau, Rít cảm thấy vướng víu trong bộ quần áo lụng thụng [9] và chán cái cảnh ăn không ngồi rồi ấy. Rít nghĩ: “Thôi, chẳng làm vua nữa. Chán lắm!”.

Bỗng chốc Rít trở lại cậu bé nghèo, đang lang thang như hồi nọ. Trên đường, Rít gặp một người đi buôn, lừa ngựa thồ [10] hàng nhiều vô kể, đồ đồng và tiền bạc chứa hàng bao to, Rít liền tung bông hoa thứ hai lên và nói:

– Ta phải được hơn thế!

Dứt lời thì mọi thứ đã chất ngổn ngang quanh mình. Rít hả hê [11] với cảnh giàu có của mình. Nhưng từ khi có của, Rít luôn cảm thấy thấp thỏm [12] trong lòng, nơm nớp [13] sợ bị mất trộm.

Rít lại nghĩ: “Thế ra có của rồi cũng chỉ những lo là lo! Thôi, ta chả thích giàu nữa!”.

Rít lại trở lại cậu bé nghèo đang lang thang như hồi nọ, trong tay chỉ còn mỗi một bông hoa. Rít nhìn lên trời, những đám mây đủ màu sắc rực rỡ, lơ lửng đuổi nhau trên bầu trời. Rít cảm thấy thèm được bay bổng trên không như những đám mây kia. Rít tung nốt bông hoa cuối cùng. Bây giờ Rít ở giữa những đám mây ngũ sắc cao tít đó. Rít tha hồ ngắm cảnh trên trời dưới biển. Ngày đêm, Rít cứ bay bổng như thế. Nhìn mây trời, sóng biển rồi cũng chán! Rít nghĩ: “Bay thế này mãi cũng chẳng thú vị gì! Thôi, chẳng bay nữa, trở về thôi”. Rít lại quay trở lại mặt đất.

4. Ý nghĩa của hạnh phúc

Qua bao ngày phiêu bạt [14], Rít bỗng nhớ quê hương, nhớ túp lều với đôi bễ lò rèn của cha. Rít nhất quyết trở về.

Nghe tin Rít, con nuôi bác thợ rèn giỏi nhất trong vùng đã trở về, tất cả bà con xa gần kéo đến chúc mừng cậu bé.

Từ già đến trẻ đều khuyên nài Rít giữ nghề cũ của cha.

Lò bễ đã lâu tắt ngấm, nay lại đỏ lửa, ngày đêm vang tiếng búa đe của Rít. Tất cả những điều hay trong nghề được cha truyền cho, Rít đều mang ra dùng. Bà con khắp vùng ai ai cũng yêu mến Rít chẳng kém gì họ kính nể cha nuôi của Rít ngày xưa. Dần dần, Rít cảm thấy cuộc sống thật là ý nghĩa với nhiều niềm vui.

Bông hoa với ba điều ước – Truyện cổ tích Ba Na
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 139, NXB Giáo dục – 1982

Chú thích trong truyện Bông hoa với ba điều ước

[1] Buôn: làng ở miền núi của đồng bào thiểu số miền Trung và Nam (vùng Tây Nguyên).
[2] Thợ rèn: người làm nghề rèn sắt nung làm thành đồ dùng (còn gọi là thờ rào).
[3] Bễ: dụng cụ của người thợ rèn dùng để bơm hơi vào lò cho lửa cháy mạnh (kéo bễ: bơm hơi vào lò bằng bễ có hai chiếc cần kéo lên, đẩy xuống bằng hai tay).
[4] Nương rẫy: ruộng ở đồi núi.
[5] Đi lang thang: đi hết chỗ này đến chỗ khác không có mục đích.
[6] Điều ước: Điều mong ước, điều mong mỏi có được.
[7] Trúc: loài cây cùng họ với tre, thân nhỏ và thằng, màu vàng.
[8] Tự nhủ: tự bảo với mình.
[9] Lụng thụng: (quần áo) rộng và dài quá khổ người.
[10] Thồ: (ngựa) chở hàng.
[11] Hả hê: thỏa thích, thỏa mãn ở mức rất cao.
[12] Thấp thỏm: lo lắng, không yên tâm.
[13] Nơm nớp: lúc nào cũng lo sợ điều chẳng lành bất chợt xảy ra cho mình.
[14] Phiêu bạt: trôi dạt nay đây mai đó.

Thử thách trong câu chuyện Bông hoa với ba điều ước

  1. Kể ra ba điều ước mà Rít đã thực hiện.
  2. Vì sao ba điều ước không mang lại hạnh phúc cho Rít?
  3. Cuối cùng, Rít hiều điều gì mới đáng mơ ước?
  4. Nếu có ba điều ước, các bé sẽ ước những gì?