Truyện cổ tích

Sự tích con Thiên Nga (Truyện cổ tích Nanai – Nga)

Sự tích con Thiên Nga là truyện cổ tích của người Nanai (Nga), kể về cô bé Aioga xinh đẹp nhưng lười biếng, giáo dục các bé hiểu được giá trị của lao động.

1. Aioga – cô bé xinh đẹp nhưng xấu nết

Ngày xưa, có một cô bé người Nanai [1] tên là Aioga. Cô bé rất xinh. Mọi người đều yêu cô. Thậm chí có người nói rằng không một làng nào trong vùng có người xinh hơn cô cả. Aioga kiêu hãnh [2] lắm. Cô tự ngắm mình, lúc thì trong chậu đồng đánh bóng, lúc thì trên dòng nước trong, càng ngắm càng tự thấy hài lòng.

Aioga lười hết sức, lúc nào cũng chỉ tự ngắm nghía. Một hôm mẹ cô bảo:

– Aioga, con đi xách nước đi!

Cô gái đáp:

– Con ngã xuống nước mất!

Mẹ bảo:

– Con bám vào bụi cây ấy!

Aioga đáp:

– Cây bật gốc thì chết!

– Thì con phải bám vào bụi chắc ấy chứ!

– Tay con xước hết ra mất!

Mẹ cô lại bảo:

– Con đeo bao tay vào.

– Bao tay cũng đứt hết – Aioga đáp. Rồi cô lại lấy chậu đồng ra soi xem mình đẹp đến như thế nào.

– Con lấy kim khâu bao tay lại!

– Kim gãy mất!

– Lấy cái kim to ấy – Bố cô nói.

– Kim ấy sẽ làm thủng tay con!

– Lấy cái đê [3] da cứng mà đeo!

Sự tích con Thiên Nga
Sự tích con Thiên Nga

2. Lười biếng, nhưng lại muốn hưởng công sức của người khác

Vừa lúc ấy, một cô bé hàng xóm bảo mẹ Aioga:

– Để cháu đi lấy nước cho bác nhé!

Cô ra đi và xách nước về. Bà mẹ nhào bột, làm bánh, nướng bánh. Aioga nhìn những chiếc bánh, kêu lên:

– Mẹ cho con một cái!

– Bánh nóng cầm bỏng tay – Mẹ cô trả lời.

– Thì con đeo bao tay – Aioga nói.

– Bao tay ướt rồi.

– Con sẽ đem phơi.

– Phơi, nó sẽ cứng.

– Con sẽ bóp cho nó mềm.

– Thế thì đau tay – Mẹ cô đáp – Việc gì con phải làm việc cho phí hoài nhan sắc. Tốt hơn hết là để mẹ đem bánh cho cô bé lúc nãy không tiếc sức mình xách nước giúp mẹ.

3. Aioga giận dỗi và sự tích con Thiên Nga

Bà mẹ lấy bánh đem cho cô bé hàng xóm. Aioga giận lắm. Cô bỏ nhà ra sông soi bóng mình dưới nước. Cô bé hàng xóm thì ngồi ăn bánh. Aioga nhìn cô bé. Cổ Aioga dướn lên đâm ra dài ngoẵng. Cô bé bảo Aioga:

– Bạn lấy bánh này mà ăn!

Aioga càng tức. Cô xì lên một tiếng, rồi vung hay tay lên. Những ngón tay xoạc ra, toàn thân cô trắng toát vì giận. Cô vùng vẫy mãi đến nỗi hai tay biến thành đôi cánh.

– Ta không cần gì cả.a..a…!

Rồi không đứng vững trên bờ nữa, Aioga ngã nhào xuống nước và biến thành con Thiên Nga. Thiên Nga vừa bơi vừa kêu:

– Ái chà, ta đẹp làm sao! Ôi, đẹp nhất là ta.a..a…

Nó cứ bơi, bơi mãi cho đến lúc quên hẳn không nói được tiếng Nanai nữa.

Duy chỉ có tân mình là nó không quên, và hễ gặp ai nó cũng kêu lên để người ta biết xưa kia nó là cô gái đẹp:

– A.i..o…ga…, A.i..o…ga…! [4]

Chú thích trong truyện Sự tích con Thiên Nga

[1] Nanai: một dân tộc thiểu số ở miền bắc nước Nga.
[2] Kiêu hãnh: lên mặt hơn người.
[3] Cái đê: loại bao ngón tay bằng kim loại hay bằng da, dùng để đẩy kim khi may vá.
[4] Aioga: Tiếng Nanai mô phỏng tiếng kêu của con Thiên Nga (Ngỗng Trời).

Câu hỏi thử thách các bé

  1. Aioga có những tính xấu gì đáng chế trách?
  2. Không làm nhưng cô có đòi ăn không? Mẹ cô đã từ chối như thế nào?
  3. Vì giận dỗi, cô đã biến thành con ngỗng ra sao?
  4. Nếu gặp Aioga, các con sẽ khuyên bảo bạn ấy những điều gì?

Đôi nét về loài Thiên Nga trong câu chuyện

Câu chuyện Sự tích con Thiên Nga đã cho thấy nguồn gốc của loài Thiên Nga theo văn hóa dân gian của người Nanai (Nga). Loài Thiên Nga trắng này rất nổi tiếng ở Nga, chúng cũng thường được nhắc đến nhiều trong các khía cạnh của văn hóa châu Âu.

Thiên Nga trắng là một loài chim nước cỡ lớn có danh pháp khoa học là Cygnus olor. Hình ảnh của chúng thường được dùng để ngụ ý nói đến vẻ đẹp quyến rũ của người con gái.