Truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa
An Dương Vương tên thật là Thục Phán là vị vua lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam, sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các vua Hùng. Sau chiến thắng vĩ đại đánh thắng 50 vạn quân Tần, Thục Vương quyết định xây thành Cổ Loa. Hiện di tích thành cổ Loa nằm ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tục truyền rằng Thục An Dương Vương xây thành nhiều lần nhưng đều đổ, sau nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ diệt yêu quái thì việc xây dựng mới hoàn thành.
Truyền thuyết An Dương Vương xây thành cổ loa, một câu chuyện dân gian mang nhiều tính chất kỳ ảo nhưng gắn với con người và lịch sử có thật của dân tộc.
Nội dung truyện
Khi đã chiếm được đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.
Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Ðám đông người hì hục đào đất, khuân đất hết ngày nọ sang ngày kia, tòa thành cao dần. An Dương Vương cùng đoàn tùy tùng đến xem rất lấy làm hài lòng, cho là một tòa thành có thể đứng vững muôn đời, sấm sét không lay chuyển, mưa bão không làm sạt được, và quân giặc cũng không thể phá nổi.
Nhưng một đêm cả bức tường thành quanh co đều đổ sập xuống như đất bằng. Vua An Dương Vương đến xem rất lấy làm tức giận. Ngài hỏi dò dân chúng gần đó, họ kể lại: Ban đêm họ nghe thấy những bước chân rầm rập ở các khắp ngã kéo đến với những tiếng xì xào có thể là ma quỉ. Người đâu mà lại đông đến thế ! Họ sợ quá nên không dám nhìn ra. Rồi họ lại nghe những tiếng đổ ầm ầm như sấm dậy.
An Dương Vương sai các tướng lãnh đốc thúc đắp lại thành cho kỳ được. Ðám người hăng hái đắp lại không ngừng. Tường thành mỗi ngày một cao dần và lại cao như tường thành cũ. Nhưng rồi một đêm cả dãy tường thành lại sập xuống như đất bằng. An Dương Vương sai người đi hỏi dân chúng ở gần đó thì họ lại nói như trước. Ban đêm họ cũng nghe thấy những bước chân rầm rập như thiên binh vạn mã trẩy qua rồi lại những tiềng huỳnh huỵch tiếp đến những tiếng ầm ầm như sấm động.
An Dương Vương lại xem chỗ địa thành để cầu trời phù hộ mình đắp cho xong tòa thành. Vua đi vòng quanh chân tường vừa đi vừa suy nghĩ. Ðột nhiên vua thấy một ông già râu tóc bạc từ phía xa đi lại. Ðến gần An Dương Vương ông tự xưng mình là thổ thần của vùng đất này, nói với vua rằng:
– Nhà vua đừng lo, sáng mai nhà vua ra đợi ở bờ sông sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp nhà vua đắp thành.
Nói xong ông già biến mất.
Hôm sau mới tờ mờ sáng, An Dương Vương đã ra tận bờ sông để đợi Giang sứ. Vừa bắt đầu tan sương thì có một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông từ phía Ðông bơi vào bờ đến gần nhà vua, rùa tự xưng mình là thần Kim Quy sứ giả của vua Thủy Tề. An Dương Vương sai đặt Giang sứ lên một chiếc mâm vàng và khiêng vào cung. Vua hỏi kế đắp thành, thần Kim Quy bảo rằng:
– Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống lâu năm thành tinh có phép biến hoá khôn lường. Nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ ở quán trọ trong vùng này. Các vua thời trước cùng bọn nhạc công chết đi đều chôn ở núi Thất Diệu, những u hồn ấy từ lâu không tan lẩn khuất trong khe đá ở hang sâu. Những u hồn ấy có thù với nhà vua nên đêm thanh vắng họp thành từng đàn từng lũ đến xúi dục con tinh gà trắng phá thành đang xây của nhà vua.
Con tinh gà trắng đã dẫn những u hồn ấy đến chân thành dùng phép ma phá đổ tường thành rồi gần sáng lại bay về núi. Con tinh gà trắng có tiền duyên với con gái lão chủ quán gần chân núi nên hay hiện hình làm khách bộ hành ghé vào nhà lão khi thì nhập vào con gái lão khi thì nhập vào con gà trắng của lão. Muốn đắp cho được thành, trước hết phải trừ cho tiệt giống yêu ma và giết đứa con gái cùng con gà trắng của lão chủ quán kia đi.
Nghe lời thần mách bảo, Vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục rồi vua cải trang cùng thần Kim Quy giả làm khách bộ hành đến quán xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối lấy cớ là trong núi có nhiều yêu quái hay làm hại khách đi đường. Nhưng An Dương Vương và thần Kim Quy nhất định xin ở. Chủ quán phải chiều theo ý hai người.
Ðêm đêm An Dương Vương nghe thấy những bước chân rầm rập ở ngoài. Những bước chân từ khắp các ngả đi lại rộn ràng rồi thốt nhiên có bàn tay rất mạnh đập vào cái phên nhà lão chủ quán tiếp đến tiếng gọi người con gái lão. Thần Kim Quy lên tiếng nạt nộ, tiếng ngoài im ngay. Những tiếng chân bước cũng xa dần.
Gần sáng lại có những tiếng chân rầm rập ở ngoài, thần Kim Quy bảo An Dương Vương mở cửa phên ra gọi quân mai phuc đuổi theo đám yêu tinh đang rút lui về Thất Diệu, quân lính vừa đuổi vừa giương nỏ bắn theo. Cứ một loạt tên bay đi là lại nổi lên những tiếng ma kêu quỷ khóc rùng rợn. Tiếng rên rỉ khóc than mỗi lúc một thưa dần. Ðến khi mặt trời mọc thì yêu khí tan. Quân lính của An Dương Vương đào được rất nhiều hài cốt và nhạc khí cổ trong các hang núi, họ chất thành từng đống cao đốt đi rồi tro than đổ xuống suối cho tan hẳn oan hồn.
An Dương Vương và thần Kim Quy trở về quán trọ bảo chủ quán hiến cho mình con gà trắng để tạ trời đất. Gà vừa bị cắt tiết thì con gái chủ quán cũng lăn ra chết. Giữa lúc ấy có một con chim tứ trong nhà bay vụt ra, thần Kim Quy biết đó là con yêu tinh đã tìm đường chạy trốn, liền tung phép giết chết.
Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng:
– Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng ngìn quân giặc.
Nói xong, thần biến mất, nhờ có thần Kim Quy trừ hết yêu ma. An Dương Vương ra lệnh cho quân lính và nhân dân xây lại thành. Chẳng bao lâu tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, vừa dầy vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành.
Đôi nét về thành Cổ Loa
Nhắc đến Cổ Loa, người ta nghĩ ngay đến truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cho cách xây thành, về chiếc lẫy nỏ thần làm từ móng chân rùa thần và mối tình bi thương Mỵ Châu – Trọng Thủy. Đằng sau những câu chuyện thiên về tâm linh ấy, thế hệ con cháu còn khám phá được những giá trị khảo cổ to lớn của Cổ Loa.
Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X) mà thành Cổ Loa là một di tích minh chứng còn lại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.
Sở dĩ thành được gọi là Cổ Loa là do kiến trúc xây của thành. Theo tương truyền thành gồm chín vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có ba vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu lũy xây đến đó.
Đến khu di tích Loa Thành, du khách cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống. Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn
Thơ về Thành Cổ Loa
Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa thành ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.
—–Truyenchobe.com—-