Truyện Cây khế – truyện cổ tích hay
Truyện Cây khế – một bài học đạo đức cho bé
Truyện cổ tích Cây khế (hay còn gọi truyện Ăn khế trả vàng) là bài học về tình cảm gia đình, khuyên nhủ chúng ta tránh xa những thói xấu tham lam, ích kỷ
1. Hai anh em phân chia tài sản
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh có hai anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống nương tựa vào nhau. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước, đều sở hữu cặp lông màu rậm, đôi mắt tinh anh và chiếc mũi cao.
Thân hình giống nhau như vậy đấy nhưng tích cách của hai người trái ngược nhau, người em thì hiền lành chăm chỉ còn người anh thì lười biếng, tham lam, suốt ngày chỉ ngồi rung đùi lấy tiền của người em làm ra.
Muốn cho vui cửa vui nhà, hai người cùng đi lấy vợ. Ngày ngày, hai vợ chồng người em thức khuya dậy sớm, lại cố gắng cày cấy, làm cỏ, bỏ phân, lúa tốt hơn trước, nên đến mùa, được bội thu. Thấy thế, người anh sợ em kể công chiếm lấy phần hơn, vội bàn với vợ cho hai vợ chồng người em ra ở riêng. Hôm sau người anh than thở với em:
– Em à! Hai chúng ta đã có vợ rồi nên không thể sống chung với nhau được nữa, vậy em có bằng lòng dọn ra ở riêng được không?
– Được chứ ạ, anh nói có lý lắm!- người em đồng ý không một chút do dự gì.
2. Người em và con chim lạ trong truyện Cây khế
Ra ở riêng với vợ, người em được người anh chia cho có một căn nhà tranh lụp xụp, trước nhà có một cây khế ngọt. Hai vợ chồng người em không phàn nàn một lời, hết vào rừng đốn củi đem ra chợ bán, lại đi gánh mướn, làm thuê.
Còn người anh có bao nhiêu ruộng nương đều cho làm thuê, để ngồi không hưởng sung sướng với vợ. Thấy em không ca thán gì, người anh cho em là ngu si, lại càng lên mặt, không lui tới nhà em và cũng không để ý gì đến em nữa.
Những ngày sung sướng nhất của hai vợ chồng người em là những ngày khế chín. Quanh năm, hai vợ chồng đã chăm bón và bắt sâu, đuổi kiến cho cây khế, nên cây khế xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu cả ở những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được. Đến những ngày thu hoạch, hai vợ chồng để lại chút ít cho mình, còn đâu họ cho những người nghèo khổ trong làng.
Một buổi sáng, hai vợ chồng mang quang gánh và thúng ra gốc khế, định trèo lên hái quả đem ra chợ bán thì thấy trên ngọn cây rung động rất mạnh, lá rơi xào xạc như có người đang trèo. Hai vợ chồng nhìn lên thì thấy một con chim rất lớn, rực rỡ đang ăn những quả khế rất ngon lành. Người em đứng than thở với chim:
– Chim ơi, hai vợ chồng ta đã dành ra bao nhiêu công sức, làm lụng rồi chờ đợi đến ngày khế ra quả, thế mà chim nỡ lòng nào ăn khế nhà ta.
Chim bỗng nghển cổ, nheo mắt như cười, đáp lại:
– “Ăn một quả,
trả cục vàng!
May túi ba gang,
đem đi mà đựng”.
Chim nhắc đi nhắc lại câu ấy ba lần, rồi mới vỗ cánh bay đi. Hai vợ chồng thấy chim biết nói đã lấy làm lạ, đứng ngây người ra một lúc rồi suy nghĩ, phân vân. Nhưng rồi hai vợ chồng cũng làm theo lời chim. Người vợ kiếm lấy vài vuông vải cũ may cho chồng một cái túi, ngang dọc đúng ba gang.
Sáng hôm sau, người em dậy sớm đứng đợi chim. Thấy đã gần trưa rồi mà chim vẫn trưa tới người em bắt đầu suy nghĩ thì thấy một luồng gió mạnh cuốn cả cát bụi trước sân nhà, rồi trong chớp mắt một con chim cực kỳ lớn hạ xuống giữa sân, ra hiệu cho người em:
– Anh kia nhanh lên nào!
Người em xách cái túi ba gang ra và trèo lên lưng chim. Chim lúc bay cao, lẩn vào mây bạc, lúc bay thấp, là là trên rừng xanh, đồi núi trập trùng.
Rồi chim bay ra biển cả mênh mông, sóng biếc cao ngất vật vào sườn những hòn đảo nhỏ, làm tung lên những bọt trắng xóa. Anh ngồi trên lưng chim thấy biển tuyệt mù, không biết đâu là bờ…
Bỗng nhiên chim bay vào một hòn đảo toàn vàng, đá quý, kim cương đến mặt đất được trải thảm bằng vàng phản chiếu ánh sáng rực rỡ. Anh nhặt một ít vàng và kim cương bỏ vào túi ba gang, rồi trèo lên lưng chim, ra hiệu cho chim quay về.
Mặt trời mới lặn, chim đã hạ cánh xuống cái vườn nhỏ có cây khế ngọt. Người vợ thấy chồng về bình yên, mừng rỡ vô cùng. Từ đấy, lâu lâu chim mới lại đến ăn khế.
3. Cái kết cho kẻ tham lam trong truyện cổ tích Cây khế
Người anh sau khi dò hỏi biết sự tình, bèn nằn nì với em xin đổi tất cả gia sản của mình để lấy mảnh vườn có cây khế ngọt. Người em nghe lời anh nên cũng bằng lòng đổi. Đến mùa khế có quả, chim phượng hoàng lại đến ăn. Người anh xua đuổi ầm ĩ, chim bèn nói như trước rằng:
“Ăn một quả,
Trả cục vàng,
May túi ba gang,
Mang đi mà đựng.“
Được lời, người anh may giấu một cái túi sáu gang. Rồi chim cũng chở anh đi đến nơi hải đảo đầy bạc vàng châu báu. Nhưng tính tham lam làm mắt anh hoa lên khi thấy hải đảo có nhiều của quý giá.
Anh ta loay hoay mãi không biết nên lấy thứ gì, bỏ thứ gì. Khi nghe chim giục chở về, anh vơ bạc vàng cháu báu đầy ắp cái túi sáu gang, quấn vào ngang lưng, ngoài ra còn giắt thêm khắp người. Anh ta leo lên lưng chim, chim phải đập cánh ba lần mới lên nổi. Chim cố sức bay, đến giữa biển cả, vì nặng quá, suýt đâm nhào xuống nước mấy lần.
Khi gần đến đất liền, chim lảo đảo, nghiêng cánh, người anh mang cả túi vàng bạc rơi tõm xuống biển sâu và bị sóng cuốn đi mất tích.
Ý nghĩa truyện Sự tích cây khế
-Câu truyện cây khế muốn nhắc nhở rằng là anh em ruột thịt với nhau thì phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau đừng vì đồng tiền, vật chất mà làm việc tàn nhẫn với nhau.
-Con chim thực hiện đúng lời hứa của mình .Đó là một điều đáng khen ngợi về đức tính biết giữ lời hứa và trả ơn cho người đã giúp đỡ mình.
-Còn người anh vì tính tham lam, ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân mình đã bị rơi xuống vực thẳm.
Truyenchobe.com