Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ (Truyện cổ tích Trung Quốc)
Ngưu lang – Chức nữ là truyện cổ tích kể về mối tình trắc trở giữa người trần và tiên nữ, qua đó giải thích hiện tượng mưa Ngâu diễn ra vào đầu tháng bảy.
1. Tiên nữ lấy người trần
Tương truyền rằng, Chức Nữ là cháu gái Ngọc Hoàng, lại có người nói là cháu ngoại Tây Vương Mẫu, không biết điều nào đúng. Chỉ biết rằng Chức Nữ là một nàng tiên ở bờ đông dải Ngân Hà. Hàng ngày, nàng dùng những sợi tơ thần dệt nên những áng mây tuyệt đẹp, màu sắc biến đổi theo thời gian và các màu khác nhau. Những áng mây ngũ sắc đó gọi là “Thiên y”, nghĩa là những xiêm áo dệt cho trời. Trời cũng phải mặc xiêm áo như người, mặc dù trời trong xanh biếc vẫn có vẻ đẹp riêng.
Cùng làm việc này, còn có sáu nàng tiên trẻ đẹp, chị em với Chức Nữ cũng đều là những tay dệt khéo, nổi tiếng ở Thiên đình. Chức Nữ siêng năng nhất trong các nàng tiên ấy.
Cách dải Ngân Hà một vắt rực sáng là trần gian. Ở đấy có một chàng trai chăn trâu trẻ tuổi tên gọi Ngưu Lang. Cha mẹ chàng mất sớm, thường bị chị dâu bạc đãi. Rồi anh chị chia gia tài thiên lệch, chỉ cho chàng một con trâu già, bảo chàng tự lập mà sống.
Nhờ vào con trâu giúp đỡ và tự mình cố sức làm lụng, Ngưu Lang chặt cây nhổ cỏ trên bãi đất hoang, cấy cày trồng trọt, dựng cửa dựng nhà, một vài năm sau cũng có một căn nhà nho nhỏ, sống gượng được qua ngày đoạn tháng. Nhưng ngoài con trâu già không biết chuyện trò ra, chỉ còn một mình chàng trong căn nhà lạnh lẽo, cuộc sống có phần rất cô đơn.
Một hôm, bỗng nhiên con trâu nói được tiếng người, bảo chàng rằng Chức Nữ và các nàng tiên khác sắp xuống tắm ở Ngân Hà, khuyên chàng nhân lúc các nàng tiên đang tắm, ra lấy xiêm áo của Chức Nữ giấu đi, thì sau sẽ lấy được nàng làm vợ. Ngưu Lang ngạc nhiên hết sức, những vẫn nghe theo lời trâu bảo, lặng lẽ ra Ngân Hà nấp trong đám lau lách ven sông, chờ Chức Nữ và các nàng tiên tới.
Một lát sau, Chức Nữ và các nàng tiên tuyệt đẹp đã đến Ngân Hà, trút bỏ xiêm áo, lội xuống dòng nước trong veo. Chỉ trong khoảnh khắc, trên mặt sông gợn sóng biếc hình như đã mọc lên những bông sen trắng ngần.
Ngưu Lang rời khỏi bụi lau ra lấy xiêm áo của Chức Nữ trong đống xiêm áo của các nàng tiên ở bãi cỏ xanh ven sông. Các nàng tiên kinh hãi vội mặc xiêm áo vào, chạy tán loạn khắp nơi như một bầy chim. Giữa dòng Ngân Hà chỉ còn Chức Nữ không bỏ chạy được vì thiếu xiêm áo. Ngưu Lang nói:
– Nếu nàng bằng lòng lấy chàng thì chàng sẽ trả lại xiêm áo.
Chức Nữ ngượng ngùng, buông mái tóc dài che ngực. Nàng đành nhận lời làm vợ Ngưu Lang.
Sau khi lấy nhau, chàng lo cày cấy, nàng chăm canh cửi, yêu nhau thắm thiết, cuộc sống thật muôn vàn hạnh phúc. Ít lâu sau họ sinh được một trai một gái, đều là những đứa trẻ kháu khỉnh. Hai vợ chồng tưởng sẽ được sống bên nhau mãi mãi cho tới lúc tuổi già đầu bạc.
2. Mối tình cách trở
Ai dè Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu biết được việc này hết sức giận dữ, phái ngay thiên thần đi bắc Chức Nữ về Thiên đình hỏi tội. Tây Vương Mẫu sợ thiên thần sơ suất, lại tự mình đến xem xét mọi việc.
Chức Nữ đau đớn phải xa chồng con, bị thiên thần áp giải về Thiên đình. Ngưu Lang thấy vợ ra đi còn đau đớn bội phần, liền lấy ngay quang thúng gánh hai con đổi theo suốt đêm. Chàng vượt qua dòng sông Ngân Hà trong vắt đi thẳng đến Thiên đình. Không ngờ chỗ sông Ngân Hà không còn dấu vết nữa. Ngẩng đầu nhìn lên, thì ra sông Ngân Hà đã bị Tây Vương Mẫu dùng phép tiên, chuyển lên trời mất rồi.
Giữa màn đêm xanh thẳm, sông Ngân Hà vẫn là một dải nước trong vắt, sáng lấp lánh. Nhưng đã trở thành đất lạ cõi tiên, không sao đến gần được nữa.
Ngưu Lang cùng các con trở về nhà, vò đầu bứt tai kêu gào thảm thiết. Ba cha con ôm lấy nhau mà khóc. Lần thứ hai, con trâu trong chuồng lại nói lên tiếng người:
– Ngưu Lang, Ngưu Lang, tôi sắp chết rồi. Sau khi tôi chết, hãy lột da tôi làm áo, khoác lên người thì có thể lên được Thiên đình.
Trâu nói xong liền lăn đùng ra chết. Ngưu Lang khoác áo da trâu gánh hai con lên trời. Chàng tiện tay nhặt một chiếc gáo bầu đặt vào một đầu gánh cho cân.
Ngưu Lang lên đến Thiên đình, đi lướt qua các vòm sao rực rỡ. Sông Ngân Hà đã hiện ra ở phía xa, và phía bên kia sông cũng thấp thoáng bóng Chức Nữ.
Ngưu Lang vui sướng quá, các con cũng reo lên mừng rỡ:
– Mẹ ơi, mẹ ơi!
Ai ngờ vừa tới ven sông đang định lội qua, thì bỗng đâu trên trời thò xống một cánh tay. Thì ra Vương Mẫu đang đứng ở đấy, vội vàng rút ngay chiếc trâm vàng đang cài trên đầu, vạch xuống dòng Ngân Hà. Dòng sông trong vắt liền biến thành sông Thiên Hà, sóng nước cuồn cuộn.
Đứng trước sông Thiên Hà, Ngưu Lang không còn biết làm thế nào được nên chỉ đành để cho lệ chảy ròng ròng như nước dòng sông đang cuồn cuộn trôi.
– Cha ơi, ta hãy lấy gáo bầu tát cạn nước sông Ngân Hà!
Đứa con nhỏ lau khô nước mắt, mở to cặp mắt xinh xinh, thơ ngây nói với cha như vậy.
Ngưu Lang đang buồn bực, chàng không do dự nữa:
– Đúng, cha con ta hãy tát cạn nước sông Thiên Hà.
Nói đoạn, chàng nhặt chiếc gàu ra sức tát nước. Chàng tát đã mệt, hai người con lại hợp sức, dùng đôi bàn tay nhỏ yếu tát nước giúp cha.
3. Tình yêu mãnh liệt và sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ
Tình yêu thắm thiết, bền chặt đó đã cảm động trái tim Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu. Hai người đành phải cho phép vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào tối mùng bảy tháng bảy, do chim Ô Thức bắc cầu qua sông.
Vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước, ngậm ngùi kể lể cho nhau biết bao tình thương nỗi nhớ. Chức Nữ gặp Ngưu Lang, nàng không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt của Chức Nữ rơi xuống mặt đất tạo nên những cơn mưa. Người ta gọi những cơn mưa Ngâu.
Ngưu Lang và hai con từ đó ở lại Thiên đình, ngày ngày vọng nhìn Chức Nữ, người vợ yêu cách một dòng sông.
Đến nay, trong những đêm thu, sao sáng đầy trời, chúng ta vẫn còn nhìn thấy hai ngôi sao sáng rực lấp lánh ở hai bên bờ Thiên Hà trắng như dải lụa; đó là sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ. Cùng một hàng với sao Ngưu còn có hai sao nhỏ nữa, đó là hai con của chàng.
Cách đó hơi xa, có bốn ngôi sao ngỏ hình thoi, tương truyền rằng đó là chiếc thoi dệt của Chức Nữ ném cho Ngưu Lang. Gần sao Chức Nữ có ba ngôi sao nhỏ như một hình tam giác cân, đó là vai cày mà Ngưu Lang ném cho Chức Nữ. Hai người đã dùng cách buộc thư vào con thoi và chiếc cày để gửi lòng thương nỗi nhớ cho nhau.
Tình yêu của họ luôn đẹp và bất tử cùng năm tháng.
Đôi nét về câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ
Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ là truyện cổ tích nổi tiếng của Trung Quốc. Do sự phổ biến và tính văn hóa cao, câu chuyện này trở thành một trong Tứ đại dân gian truyền thuyết của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà truyện, Mạnh Khương Nữ và Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Truyện giải thích về sự hình thành của các sao Chức Nữ (Vega), Ngưu Lang (Altair), dải Ngân Hà và hiện tượng mưa ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy Âm lịch hàng năm.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, câu chuyện này được gọi là sự tích ông Ngâu – bà Ngâu.
Chòm sao Ngưu Lang – Chức Nữ
Sao Ngưu Lang (Altair) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng (Aquilae) và là sao sáng thứ 12 trong bầu trời đêm. Sao Ngưu Lang cách Trái Đất 17 năm ánh sáng và là một trong những sao gần nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Sao Chức Nữ (Vega) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra), và là sao sáng thứ 5 trên bầu trời đêm. Đây là sao sáng thứ 2 ở bầu trời phía Bắc sau Arcturus.
Mưa Ngâu là gì?
Mưa Ngâu là tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam hàng năm. Trong dân gian có câu tục ngữ: “Vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 Âm lịch.
Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích, do vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ mưa Ngâu.
Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau ngày nào?
Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau vào tối mùng 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ tình yêu của người Đông Á.
Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau ở cầu gì?
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, sau một năm xa cách, Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau ở cầu Ô Thước, có văn bản gọi là cầu Ô Kiều. Đây là cây cầu đặc biệt, được tạo nên từ bầy chim Ô (quạ) và chim Thước (chim khách) kết cánh lại tạo ra..