Chiếc thoi vàng (truyện cổ tích)
Giới thiệu truyện cổ tích Chiếc thoi vàng
Chiếc thoi vàng là truyện cổ tích có nội dung giáo dục các bé trở thành những người chăm chỉ và biết trân quý giá trị của sức lao động của mình.
Nội dung truyện Chiếc thoi vàng
1. Ngày trước có hai chị em mồ côi cha mẹ, người chị thì lười còn người em lại rất siêng năng. Cô chị cậy mình lớn, việc gì cũng sai em làm. Cô em làm đủ mọi việc lại còn chăm lo dệt vải. Một hôm cô em đi gánh nước, chẳng may làm rơi cái gầu xuống giếng sâu. Cô chị đánh em và đuổi đi.
Em đi vào rừng, thấy một cái hang đẹp, liền vào xem. Cô thấy trong hang có một tòa lâu đài. Thoạt đầu, cô gặp một cái lò than đỏ rực, trên nướng đầy bánh. Mấy chiếc bánh thấy cô, liền kêu lên: “Chị ơi! Chị kéo chúng tôi ra khỏi lò đi, không chúng tôi bị cháy mất!”. Cô đến bên lò, tuy lò rất nóng nhung cô cũng lấy được hết bánh ra, xếp vào một cái mâm. Bụng đã đói, nhưng nghĩ bánh không phải của mình, cô không ăn cái nào lại tiếp tục đi. Đến một mảnh vườn, cô thấy rất nhiều cây lêm cây nào cũng nặng trĩu quả.
Mấy quả lê kêu lên: “Chị ơi! Hái chúng tôi xuống đi, chúng tôi đã chín lâu rồi!”. Cô hái lê xuống và xếp đầy một cái giỏ để ở gốc cây. Tuy bụng đói cô cũng không ăn quả nào, vì không phải của mình.
Từ trong lâu đài, có một bà cụ già đi ra. Cô sợ quá định chạy, nhưng bà già gọi lại và nói: “Cháu thật thà lắm! Cháu đừng sợ, cháu ở lại đây với bà. Nếu cháu chịu khó làm việc, bà sẽ cho cháu một phần thưởng xứng đáng”. Nói xong, bà cụ đem bánh và lê chia cho cô ăn. Cô chăm chỉ làm mọi việc trong lâu đài. Nhưng vài ngày sau, cô thấy buồn vì nhớ nhà. Cô bèn tìm bà cụ, thưa:
– Được ở với bà, cháu rất sung sướng. Nhưng cháu nhớ nhà quá. Bà cho cháu về thăm có được không ạ?
Bà già bảo: “Cháu nhớ nhà, như vậy cháu rất tốt. Cháu đã giúp bà nhiều việc. Đây là phần thưởng bà dành cho cháu. Chiếc thoi vàng này dệt vải sẽ nhanh gấp mười lần thoi gỗ, cháu hãy cầm lấy”. Rồi bà già dẫn cô ra khỏi hang và chỉ đường cho cô về.
2. Về đến nhà, cô đem thoi vàng ra dệt. Thoi dệt nhanh thoăn thoắt và làm ra được tất cả các thứ gấm vóc quý. Cô chị cũng muốn có nhiều gấm óc quý như em bèn hỏi chuyện, cô em kể hết đầu đuôi. Cô chị bèn đi vào rừng và tìm đến hang đá. Cô cũng vào hang và thấy tòa lâu đài.
Đầu tiên, cô cũng gặp cái lò than đỏ rực, trên nướng đầy bánh thơm phức. Mấy chiếc bánh cũng kêu lên: “Chị ơi, chị kéo chúng tôi ra khỏi lò đi, nếu không chúng tôi bị cháy cả bây giờ!”. Cô chị lại gần lò. Nhưng nóng quá, cô chỉ lấy ra một cái và ăn ngấu nghiến. Đến mảnh vườn, cô chị thấy nhiều lê. Mấy quả lê cũng kêu lên: “Chị ơi! Hái chúng tôi xuống đi, chúng tôi chín đã lâu rồi!”. Nhưng cô chị chỉ hái một quả để ăn.
Trong lâu đài, một bà già đi ra. Bà già nói: “Cháu có muốn ở với bà không? Nếu cháu chăm chỉ làm việc, bà sẽ cho cháu một phần thưởng xứng đáng”. Cô chị bằng lòng. Nhưng vốn tính siêng ăn, nhác làm nên suốt ngày cô chị chăm ăn bánh, ăn lê mà chẳng muốn làm việc gì.
Được vài ngày cô chị đòi về và hi vọng được bà già tặng món quà.
Bà già hỏi lại cô: “Bây giờ cháu muốn xin gì trước khi về, bà sẽ cho”.
Thấy bà hỏi, cô ngẫm nghĩ hồi lâu. Cô định xin chiếc thoi vàng nhưng lại ngại dệt, nên cô nghĩ: “Ta xin cái gì để ăn được hằng ngày thì thích hơn”. Nghĩ vậy, cô bèn xin lò bánh. Bà đồng ý và dặn: “Lò này chỉ làm ra bánh cho những người chăm chỉ. Cháu tắt lửa đi rồi mang lò về”.
Cô hớn hở mang lò bánh về. Về đến nhà, cô nhóm lửa lên nhưng không thấy bánh hiện ra. Còn cô em chỉ mải miết ngồi dệt vải. Khi nào đói bụng, đến bên lò bánh thì bao giờ cũng có một chiếc bánh thơm phức đang chờ cô. Thấy vậy, cô chị bắt đầu học dệt vải. Ngày nào cô chăm dệt vải thì ngày đó cô cũng được một chiếc bánh thơm phức.
Trịnh Mạnh kể
(Dựa theo Truyện cổ Trung Quốc)
Chú thích trong câu chuyện Chiếc thoi vàng
- Siêng năng: chăm chỉ đều đặn.
- Lâu đài: tòa nhà to lớn, đẹp đẽ, dùng cho vua chúa ở ngày xưa
Câu hỏi gợi ý cho bé trong truyện Chiếc thoi vàng
- Hai chị em mồ côi sống với nhau như thế nào?
- Vì sao cô em đã đi vào rừng?
- Cô đã sống với bà tiên như thế nào và được bà thưởng cho cái gì?
- Vì sao cô chị cuối cùng cũng chăm làm như cô em?