Truyện mẹ kể bé nghe – Bàn chân ông nội
Cu Sún nhìn hai bàn chân ông nội ngâm trong chậu nước ấm pha muối, nó ngạc nhiên quá đi mất. Tại sao bàn chân ông nội lại dài và to thế kia nhỉ?
Tại sao thì cu Sún chịu. Nó chỉ thấy, năm nào bố cũng mua một đôi giày bata ngoại cỡ cho ông nội. Năm nay, trời đã se lạnh, thế mà bố vẫn chưa mua giày cho ông. Bố bận việc hay quên không biết?
Dạo này, cu Sún ngủ với ông nội. Không được sờ ti mẹ, khó ngủ quá, nó nghĩ vẩn vơ và luôn miệng hỏi chuyện:
– Ông ơi! Tại sao con sông cạnh nhà mình lại gọi là sông Hồng?
– Vì nước sông có màu hồng chứ sao.
– Tại sao nước sông lại đỏ hồng lên thế hả ông?
– À, màu ấy là phù sa đấy.
Cu Sún hỏi chuyện gì, ông nội cũng biết. Nó tự hào về ông nội lắm. Gối đầu lên cánh tay gầy khô của ông, nó lại hỏi:
– Tại sao bàn chân ông to đến nỗi phải đi giày ngoại cỡ hả ông?
Xoay người ôm nó vào lòng, ông cười hiền lành:
– Thôi ngủ đi cháu, mai còn dậy sớm mà học bài.
Đã hơn một lần cu Sún hỏi về đôi bàn chân to quá khổ của ông. Nhưng ông đều lảng sang chuyện khác. Cu Sún khó hiểu và không vui. Ông không nói thì hỏi bố vậy. Nhưng bố làm bác sĩ ở mãi trên tỉnh cơ, chờ bố thì lâu quá, nhỡ bố quên mất thì xong…
Quen tay, nó lần vào bộ ngực lép kẹp của ông nội. Bàn tay mềm mại của nó cụng vào khung xương gồ ghề, cứng như gỗ, nó vội rụt tay lại. Nó nghĩ về đôi bàn chân to quá khổ của ông nội… Tiếng máy nổ lúc khoan, lúc nhặt theo gió heo may vọng về đã kéo dòng suy nghĩ của nó ra bến sông, nơi ấy có nhiều thuyền gắn máy neo đậu. Hàng ngày đi học qua đây, nó thằng tỉ mẩn đứng đếm những người thợ đội than, vác đá lên bờ…
Sáng dậy, cu Sún vẫn nghĩ về đôi chân của ông nội. Nó thầm hỏi, chủ nhật này, liệu bố có về không nhỉ?
Cu Sún thổi bong bóng bằng xà phòng chơi, nó thích thú nhìn theo những quả bong bóng đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng bay lơ lửng trên trời. Mải chơi, bố đánh xe vào đến sân nó mới biết. Mừng quýnh lên, nó bám theo bố vào trong nhà. Bố đặt đôi giày ba ta màu tím còn thơm mùi vải lên bàn. Có thế chứ, bố quên sao được! Đi thử mấy bước xong, ông nội nói:
– Hơi chật một tí nhưng không sao. Đi dăm bữa, nửa tháng, nó dãn ra là vừa.
Có lẽ ông nói thế cho vui lòng bố thôi, chứ lúc đi thử, cu Sún thấy mặt ông nhăn lại có vẻ đau lắm.
Ăn cơm chiều xong, bố ngồi trầm ngâm bên bàn. Nó mon men đến gần:
– Bố!
Bố áp má lên mái tóc khét mùi nắng của nó, thủ thỉ:
– Bố thật có lỗi, năm nay không mua nổi một đôi giày cho ông nội!
Nó quàng hai tay ôm lấy cổ bố, hỏi:
– Tại sao bàn chân ông nội lại to và dài thế hả bố?
Không trả lời, bố đứng dậy, dắt nó ra bến sông. Mặt trời đã tà tà ngọn tre, thợ khuân vác vẫn cần mẫn làm việc. Tiết trời mát mẻ thế mà lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Đầu tóc chân tay, mặt mày nhem nhuốc những than, những cát và vôi bột. Cu Sún để ý thấy không ai đi giày cả…
– Họ khổ quá, bố nhỉ?
– Ừ! Quá khổ là đằng khác.
Tiến đến gần tốp thợ, bố chậm rãi kể:
– Con biết không, ông nội đã từng làm thợ khuân vác bến sông này ngót bốn mươi năm để lấy tiền nuôi bác Cầu, nuôi bồ ăn học nên người đấy! Con làm tính nhân được chứ, có à, lúc nào tính thử xem, bốn mươi năm trời, ông nội đã đi bao nhiêu bước chân trên bến sông kia và đội bao nhiêu thúng cát, vác bao nhiêu viên đá tảng… Đi lại nhiều, mang vác nặng nên bàn chân ông nội mới to khác thường thế đấy con ạ!
– Thì ra là vậy!
Lặng lẽ đi bên bố, cu Sún thầm nghĩ: “Ngày sau lớn lên, mình sẽ tìm mua bằng được giày bata ngoại cỡ cho ông nội!
Ý nghĩa:
Bàn chân của ông nội to một cách khác thường đã khiến cho cu Sún hết sức ngạc nhiên, thắc mắc. Nhưng khi nghe bố cho biết sở dĩ bàn chân ông nội to vì ông làm thợ khuân vác, đi lại nhiều, mang vác nặng… cu Sún đã hiểu và thầm thương ông nội. Tình cảm yêu thương mà cu Sún dành cho ông nội thật mộc mạc và đáng quý.
Bé chúc Tết ông bà
Năm cũ vừa qua
Bước sang năm mới
Hôm nay con tới
Kính chúc ông bà
Sống lâu sức khỏe,
Trẻ mãi không già
Yêu thương thuận hòa
Cửa nhà sung túc
Hạnh phúc an khang
Ơn trên thương ban
Suốt năm may mắn
Làm ăn phấn chấn
Phúc, lộc, thọ, tài
Ông bà hưởng trọn
Đôi lời cơn mọn
Xin kính dâng lên
Ông bà đừng quên
Lì xì cho con
Năm mới lấy hên
Con xin cảm ơn ông bà.
—truyenchobe.com—-