Truyện cổ tích

Sự tích con ve sầu (Truyện cổ tích về loài vật)

Sự tích con ve sầu là truyện cổ tích về loài vật nói về tình cảm gia đình, đức hi sinh của người mẹ, qua đó giải thích nguồn gốc của loài ve sầu ngày nay.

Nội dung truyện Sự tích con ve sầu

Ở một miền nọ có hai vợ chồng nông dân nghèo nhưng khỏe mạnh và chăm làm. Lấy nhau đã lâu, hai vợ chồng vẫn chưa có một mụn con. Mãi đến khi cả hai người đã đầu bạc răng long, họ mới sinh được một đứa con trai đầu lòng. Họ mừng khôn xiết.

Cũng vì thế, tuy nhà nghèo, sức yếu, nuôi con vất vả, hai vợ chồng thấy ở đứa con một nguồn hạnh phúc lớn lao không cùng. Nhưng thương thay, một điều không may lại đến với họ. Đứa con yêu quý của họ vừa ròn một tuổi, cũng là lúc người chồng khuất núi. Thế là nhà đã khó lại càng khó khăn thêm. Nhà đã nghèo lại càng túng thêm.

Người vợ phải một thân tần tảo vào rừng, lên núi, kiếm rau, lượm quả, đào bới củ nâu, củ gấu hay ruột đất, rễ cây để nuôi miệng, nuôi con.

Sự tích con ve sầu
Sự tích con ve sầu

Những hôm vào rừng, dù xa bao nhiêu mặc lòng, bà không bao giờ về muộn vì lo đứa con ở nhà khóc đói tội nghiệp.

Một hôm, vì làm lụng mệt nhọc, quá sức, bà lăn xuống ốm, giữa lúc ấy trông nhà không có thể có thứ gì ăn được qua bữa. Bà phải gượng lê cái thân ốm yếu gầy guộc vào rừng đào bới củ mài nuôi con. Ác thay, củ mài ở những chỗ dễ đào người ta đã đào hết rồi.

Nhưng nghĩ đến đứa con đang đói ở nhà, quên cả ốm đau, già yếu, bà dồn hết hơi sức cuối cùng của mình mà đào bới. Củ ăn sâu dưới đất khô đầy sỏi đá. Cho đến khi củ mài vừa lộ ra, mừng thầm bà cắm đầu xuống hố để móc lấy.

Chao ôi, đó cũng là lúc bà trút hơi thở cuối cùng!

Đứa con bà ở nhà, vừa đói vừa nhớ mẹ, khóc lóc rất thảm thương. Qua ngày này ngày khác, vừa đói vừa nhớ mẹ, đứa bé liều mình vào rừng tìm mẹ. Khi đến nơi, đúng hỗ củ mài mẹ mình đào, đứa bé thấy mẹ đã trở thành một cái xác chết khô cứng.

Thương mẹ, đứa bé ngã vật xuống kêu khóc, ngất đi. Khi tỉnh dậy, chưa nguôi thương nhớ, đứa bé ngồi khóc cho đến khi thân hình trở nên gầy guộc, xơ xác, mắt sưng lồi, rồi cuối cùng hóa thành con ve sầu.

Ngày nay, ta vẫn thấy con ve bụng rỗng tuếch, đôi mắt lồi… Cứ đến mùa hè, nó lại kêu ve… ve… ve… buồn bã. Đó chính là tiếng kêu khóc của đứa bé nghèo đói ngày xưa.

Đặc điểm của loài kim thiền trong truyện sự tích con ve sầu

Con ve sầu còn có tên gọi khác là kim thiền. Đây là một loại côn trùng có đầu to, hai cánh có nhiều vân.

Trên thế giới, có khoảng 2500 loài ve sầu khác nhau. Ở nước ta, ve sầu thường xuất hiện vào mùa hè, nhất là những ngày thời tiết nóng nực, oi bức.

Đặc điểm nổi bật của ve sầu là kêu rất to, kêu râm ran từng đợt. Khác với những loài côn trùng khác, tiếng kêu của ve sầu được tạo ra bằng cách rung hai màng mỏng ở hai bên lồng ngực nhờ những vòng sườn co giãn bên trong. Bụng ve sầu rỗng nên có thể khuếch đại lên thành tiếng kêu rất to và chói. Tuy nhiên, chỉ có ve đực mới phát được ra âm thanh.

Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Sau khi trứng nở, ấu trùng ve sẽ rơi xuống và chui vào trong đất. Chúng sẽ đào sâu xuống ẩn mình khỏi các loài kẻ thù ở độ sâu khoảng từ 30cm đến 2,5m và hút nhựa của rễ cây để sống.

Đến giai đoạn trưởng thành, ấu trùng vẽ sẽ chui lên khỏi mặt đất, bò lên các thân cây và lột xác để trở thành ve trưởng thành. Quá trình này diễn ra rất nhanh và thường được thực hiện vào các buổi chiều tối.