Truyện Trần Quốc Tuản: Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Năm đó, giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Thấy sứ giặc ngang ngược đủ điều, Trần Quốc Toản vô cùng căm giận.
Vào một buổi sáng, biết vua họp bàn việc nước ở dưới thuyền Rồng, Quốc Toản quyết đợi gặp Vua Trần Nhân Tông để nói hai tiếng “xin đánh”. Đợi từ sang đến trưa, vẫn không được gặp, cậu bèn liều chết xô mấy người lính gác ngã chúi, xăm xăm xuống biển. Quân lính ập đến vây kín. Quốc Toản mặt đỏ bừng bừng, tuốt gươm, quát lớn:
– Ta xuống xin bệ kiến Vua, không kẻ nào được giữ ta lại.
Vừa lúc ấy, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, Vua cùng các vương hầu ra ngoài mui thuyền.
Quốc Toản bèn chạy đến, quỳ xuống tâu:
– Cho Giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ cho đánh!
Nói xong, cậu tự đặt thanh gươm lên gáy, xin chịu tội.
Vua truyền cho Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn bảo:
– Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng xét thấy em còn trẻ mà đã biết lo việc nước, ta có lời khen.
Nói rồi, Vua ban cho Quốc Toản một quả cam.
Quốc Toản tạ ơn Vua, chân bước lên bờ mà lòng ấm ức: “Vua ban cho cam quý nhưng xem ta như trẻ con, vẫn không cho dự bàn việc nước”. Nghĩ đến quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, cậu nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt.
Thấy Quốc Toản trở ra, mọi người ùa tới. Cậu xoè bàn tay phải cho họ xem cam quý Vua ban. Nhưng quả cam đã nát từ bao giờ..
Sau đó Trần Quốc Toản trở về, huy động hơn nghìn gia nô và người dân, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, thêu lên cờ sáu chữ:
Phá cường địch, báo hoàng ân.
Phá giặc mạnh, báo ơn vua.
Năm 1285, vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem một nhóm binh lính đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi vào trận với giặc, Hoài Văn hầu tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch”
Chỉ sau 1 tháng, quân Nguyên bị đánh bại ở Kinh Thành và Chương Dương. Tướng Nguyên là Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt phải bỏ chạy qua sông Lô.
Tóm tắt tiểu sử của Trần Quốc Toản
Về thân thế Trần Quốc Toản, một số tài liệu ghi chép rằng Trần Quốc Toản (1267-1285) sinh ra tại làng Võ Ninh – Võ Giang nay thuộc tỉnh Ninh Bình, là con trai của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh, Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu gần đây cho rằng Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất nhà Tống.
Thuộc dòng dõi hoàng tộc, Hoài văn hầu Trần Quốc Toản lớn lên trong cảnh đất nước chuẩn bị chống quân Nguyên sang cướp phá và xâm lược nước ta lần thứ hai.
Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1258), Trần Nhật Duy đang làm Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau khi giành chiến thắng, vua Trần Thánh Tông cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng sang giúp nhà Tống, vì lo rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống, họ sẽ kéo sang đánh Đại Việt lần nữa.
Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất Tống nên có nhiều bạn bè là con cháu trong hoàng tộc nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn toàn, một số người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông – Nguyên. Một đội quân do hoàng tử Tống tên Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cũng cầm đầu một đội quân khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau đó, Quốc Toản gặp và kết hôn với Triệu Ngọc Hoa, em gái của Triệu Trung. Vì lấy vợ Tống nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công, Trần Quốc Toản chỉ được phong tước hầu chứ không được phong tước vương.